Nhóm đối tượng nào được xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc?

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam có khả năng được ký lại biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động với Hàn Quốc.
Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Bản ghi nhớ đặc biệt về hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc vừa hết hiệu lực. Vậy việc chuẩn bị ký kết thỏa thuận hợp tác tiếp theo được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đến đâu, thưa ông?

Thỏa thuận đặc biệt này đã hết hạn từ ngày 10/4. Cách đây 2 tuần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử đoàn công tác sang làm việc với phía Hàn Quốc.

Lần đầu tiên, Bộ Lao động và Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã đánh giá rất cao hiệu quả của giải pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp Việt Nam tại thị trường này. Hai bộ đều ủng hộ Việt Nam và cho biết sẽ trình vấn đề này lên Chính phủ Hàn Quốc bởi việc quyết định có ký tiếp bản ghi nhớ hợp tác hay không hoàn toàn do Chính phủ Hàn Quốc quyết định. 

Trước đó, đoàn công tác ngoại giao của Việt Nam cũng đã làm việc với Chính phủ Hàn Quốc.

Với những nỗ lực như trên, tôi tin rằng, biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc sẽ được ký lại.

Nếu phía Hàn Quốc chỉ ký bản thỏa thuận đặc biệt thì số lao động được thụ hưởng sẽ không nhiều. Lý do là, biên bản đặc biệt chỉ áp dụng đối với một số nhóm lao động, như người đã thi đỗ trong các kỳ thi tiếng Hàn, nhưng chưa được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn; lao động về nước đúng thời hạn và đạt một trong các kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt tổ chức sau tháng 12/2011 mà chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.

Năm 2016, phía Hàn Quốc đã chia hạn ngạch cho những nước muốn phái cử lao động sang, trong đó, Việt Nam có 3.500 chỉ tiêu, nếu trừ số lao động của 2 năm trước chưa được lựa chọn, thì số lao động mới được thụ hưởng sẽ không đáng kể.

Việc Hàn Quốc xem xét ký lại bản ghi nhớ hợp tác bình thường với Việt Nam cho thấy tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm đáng kể?

Nhớ lại thời điểm cao nhất năm 2012, khi phía Hàn Quốc ngừng ký bản ghi nhớ hợp tác bình thường, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước chiếm tới 58%. Nhưng sau mấy năm thực hiện nhiều biện pháp, như ban hành 1.300 quyết định xử phạt hành chính lao động không chịu về nước với mức phạt tối đa 100 triệu đồng, đến quý III/2015, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đã giảm còn 32%.

Tính đến tháng 12/2015, có gần 1.200 người tự nguyện về nước để được miễn xử phạt. Nếu cuối năm 2014, số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 18.000 người, thì con số này đã giảm xuống còn 15.000 người vào cuối năm 2015.

Mặc dù tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm mạnh, song Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu về số lao động bất hợp pháp tại thị trường này. Hai bên mong muốn đưa tỷ lệ này xuống dưới 30% trong thời gian tới.

Theo ông, đâu là lý do chính dẫn tới việc lao động Việt Nam cố tình ở lại Hàn Quốc?

Lý do chính là ý thức kém của người lao động. Tôi lấy ví dụ một trường hợp đã làm việc 4 năm 10 tháng - thời hạn tối đa mà người Việt Nam có thể làm việc tại thị trường này. Anh ta đã từng thẳng thắn cho biết: “Nếu biết về nước khó kiếm việc làm và thu nhập thấp thì sẽ không về nước”.

Trong khi đó, với mức thu nhập bình quân của người lao động tại Hàn Quốc, trừ chi phí sinh hoạt, hàng tháng, anh ta thể gửi về nước 1.000 USD. Như vậy, với thời gian trên, người lao động có thể gửi về gia đình gần 60.000 USD. Lẽ ra, anh ta phải có ý thức về nước khi hết hạn để người khác có cơ hội.

Là cơ quan quản lý, chúng tôi cực lực phản đối những lao động ích kỷ vì lợi ích của mình mà làm xấu hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè nước ngoài và làm phương hại tới chủ trương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những hệ lụy từ những lao động này là rất lớn. Năm 2012, Hàn Quốc dừng ký biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc, kể từ đó, Việt Nam chỉ được ký 2 biên bản ghi nhớ đặc biệt vào tháng 12/2013 và tháng 4/2015.

Hải Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục