Nhóm công nghệ phân hóa kép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, nhưng có sự phân hóa mạnh, ngay cả trong các mảng kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan

Động lực từ mảng công nghệ số

Tính đến hết tháng 10/2023, Công ty cổ phần FPT ghi nhận doanh thu 42.465 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7.689 tỷ đồng, tăng 21% và 19% so với cùng kỳ. Khối công nghệ tiếp tục đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận trước thuế, với tỷ trọng 59% và 46%; đạt 25.181 tỷ đồng và 3.521 tỷ đồng, tăng 24% và 21% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng công nghệ tại thị trường nước ngoài đóng góp 19.790 tỷ đồng doanh thu và 3.237 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 30% và 28% so với cùng kỳ. Mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu 5.391 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu chuyển đổi số đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom (Elcom, mã chứng khoán ELC) đạt 336,1 tỷ đồng doanh thu và 35 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023, lần lượt tăng 34,5% và 185% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Elcom đạt 457,4 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 27% và 43,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Trong quý III/2023, Elcom đã cơ bản hoàn thành cung cấp hệ thống giao thông thông minh cho tuyến Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Theo lãnh đạo Elcom, đây là tiền đề để Công ty tiếp tục triển khai các hệ thống giao thông thông minh (ITS) cho các phân đoạn tiếp theo như Diễn Châu - Bãi Vọt và một số phân đoạn khác.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán CMG), 6 tháng đầu niên độ tài chính 2023 (31/3/2022 - 1/4/2024), doanh thu đạt 3.561 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 198 tỷ đồng, tăng nhẹ về doanh thu nhưng giảm 7,1% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xét riêng khối hạ tầng số, đây vẫn là khối ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất và hoàn thành vượt 30% kế hoạch lợi nhuận 6 tháng.

Lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam đang có những bước tiến nhảy vọt, hiện chiếm 14,4% GDP.

Tương tự, sự tăng trưởng của mảng công nghệ số có đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (mã chứng khoán ITD). Nửa đầu niên độ tài chính 2023 (31/3/2022 - 1/4/2024), Công ty ghi nhận doanh thu hơn 169 tỷ đồng, giảm 66%, nhưng lãi gộp 59,9 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lĩnh vực mới của năm nay là gia công phần mềm đã vươn lên trở thành mảng đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận gộp, với 32,6 tỷ đồng. Do không còn khoản cổ tức nhận được từ các công ty con chuyển về như cùng kỳ, trong khi ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh, liên kết gần 1 tỷ đồng, đồng thời chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng nên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm gần 10 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1,8 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, các doanh nghiệp trong ngành công nghệ gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng từ áp lực lạm phát, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột Nga - Ukraine và tác động của hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mảng xuất khẩu phần mềm duy trì mức tăng trưởng tốt nhờ xu hướng đầu tư cho chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Công ty cổ phần VNG (mã chứng khoán VNZ) ghi nhận sự bứt phá từ mảng thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây, giúp doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và Internet đạt gần 690 tỷ đồng trong tổng doanh thu 6.431,3 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2023. Mảng kinh doanh này tăng trưởng gần 40%, vươn lên vị trí thứ 2 trong cơ cấu doanh thu, sau mảng trò chơi trực tuyến, đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng tổng doanh thu 11,6%.

Do chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, đặc biệt là phần lỗ trong công ty liên kết lớn, nên VNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 310,5 tỷ đồng, dù lợi nhuận gộp tăng, chi phí bán hàng giảm. Mặc dù vậy, Công ty vẫn có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/9/2023 lên tới 4.684,1 tỷ đồng.

Đẩy mạnh đầu tư, thử sức lĩnh vực mới

Để đạt được mức tăng trưởng vượt trội về doanh thu, mảng dịch vụ đám mây của VNG đã được dồn nhiều nguồn lực đầu tư từ trước. Chẳng hạn, Công ty đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho dự án Trung tâm dữ liệu VNG Data Center tại Quận 7, TP.HCM, trở thành 1 trong 3 trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt chuẩn UpTime Tier III, có thể mở rộng lên đến 1.600 tủ rack.

CMC cũng mạnh tay đầu tư khi giữa năm 2022 khai trương Trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. Trong quý III vừa qua, công ty này đầu tư 585 tỷ đồng mua lại dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC - CMC Creative Space Hanoi tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Với FPT, trong vòng một năm qua đã thực hiện M&A 3 công ty công nghệ tại Mỹ, bao gồm toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của Công ty Intertec International, Công ty Phần mềm thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo (Landing AI) và Cardinal Peak, đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ toàn diện (phần cứng, phần mềm nhúng, IoT, điện toán đám mây, phát triển sản phẩm di động).

Thử sức trong các lĩnh vực mới, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã có những bước chuẩn bị để trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị chip bán dẫn, đón đầu cơ hội phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS, một thành viên của FPT) cho biết, quy mô thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 6,52%.

Hội đồng quản trị Elcom mới đây đã bổ sung ngành nghề kinh doanh là sản xuất linh kiện điện tử. Cụ thể là sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện ứng dụng điện tử khác, sản xuất thiết bị linh kiện điện tử và cụm lắp ráp được sử dụng thiết bị truyền thông.

Từ năm 2022, FPT đã công bố thành lập FPT Semiconductor - công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch. Đến nay, sản phẩm của chip nguồn đã qua giai đoạn R&D, đến giai đoạn sản xuất hàng loạt và đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu giai đoạn 2024 - 2025. Đáp ứng mục tiêu hình thành đội ngũ nhân sự cho ngành công nghiệp bán dẫn trong 10 năm tới, Đại học FPT đã kết hợp cùng các trường ở Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản để mở khoa vi mạch đầu tiên ở Việt Nam. Còn CMC đã thành lập trường đại học số đầu tiên tại Việt Nam và đạt được những kết quả nhất định sau 2 năm thành lập.

Công ty Chứng khoán BIDV duy trì quan điểm khả quan đối với cổ phiếu ngành công nghệ thông tin - viễn thông nhờ 3 yếu tố chính: một là, nhu cầu chi tiêu cho công nghệ duy trì mức cao ở Nhật Bản, APAC và hồi phục tại thị trường Mỹ; hai là, xu hướng đầu tư ITS tại các cao tốc tạo động lực tăng trưởng cho nhóm ITS (ELC, ITD) trong giai đoạn từ nay đến năm 2025; ba là, xu hướng phát triển mạng 4G, 5G sẽ có tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của nhóm quản lý bán buôn (CTR), trung tâm dữ liệu, cloud (FPT, CMG).

Phạm Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục