Nhóm cổ phiếu gỗ nổi chìm cùng giá gỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Niềm vui ngắn chẳng tày gang, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang chứng kiến giá gỗ trên thị trường thế giới giảm mạnh trở lại cùng sức cầu đi xuống.

Thị trường trồi sụt

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2020 và thuộc nhóm hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Giá gỗ đã tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm nay, tuy nhiên kể từ đầu tháng 5 bắt đầu đảo chiều mạnh. Cụ thể, giá hợp đồng tương lai của gỗ tại ngày 24/6/2021 đã giảm 47,6% so với mức đỉnh được thiết lập vào ngày 7/5/2021, xuống còn 884,3 USD/1.000 board feet (đơn vị đo lường của gỗ cứng xẻ). Nếu nhìn rộng hơn từ đầu năm tới nay, giá gỗ chỉ còn tăng hơn 1,3% so với đầu năm, từ mức giá 873,1 USD/1.000 board feet.

Diễn biến giá hợp đồng tương lai của gỗ.

Diễn biến giá hợp đồng tương lai của gỗ.

Giá gỗ giảm trở lại, theo lý giải của chuyên gia tại Trading Economics, là do nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại và người dân bắt đầu đi du lịch và tham gia nhiều hoạt động đã bị hạn chế trước đây, thay vì chi tiêu cho việc sửa sang nhà cửa. Ngoài ra, giá gỗ cao bất thường đã làm tăng chi phí xây dựng, dẫn tới giảm nhu cầu sửa chữa, xây dựng mới ngôi nhà và cung - cầu cũng như giá bán dần cân bằng trở lại.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại thị trường châu Âu, những khu vực đi sớm nhất trong kế hoạch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Niềm vui trên thị trường xuất khẩu gỗ chẳng kéo dài, trong khi ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng đang chịu nhiều khó khăn. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 tới nay, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề và chưa biết thời điểm hồi phục, nhiều chủ đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng đang mắc kẹt tại nhiều dự án đã và đang xây dựng.

Ngược lại, các dự án mới có dấu hiệu chậm triển khai, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới ngành nội thất. Đối với lĩnh vực xây dựng dân dụng, trước cơn bão giá nguyên liệu đầu vào là thép, nhiều chủ đầu tư cũng đang có dấu hiệu thận trọng hơn với việc xây dựng dự án mới, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ gỗ suy giảm trong nước.

Khó khăn đè nặng doanh nghiệp gỗ

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang niêm yết cổ phiếu, như Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã ACG), Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF), Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã GTA), Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (mã GDT), Công ty cổ phần Phú Tài (mã PTB), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty cổ phần (mã VIF)…

Hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này có dấu hiệu khó khăn và lao dốc từ năm 2018 và chỉ khởi sắc mạnh trong quý I/2021 ở những doanh nghiệp đầu ngành như Gỗ Đức Thành, Gỗ An Cường, Phú Tài khi giá gỗ xuất khẩu tăng đột biến.

Ngược lại, Gỗ Trường Thành, Gỗ Thuận An và Tổng công ty Lâm nghiệp… đi lùi về hiệu quả kinh doanh trong thời gian này. Thậm chí, Gỗ Trường Thành quay lại báo lỗ, với số lỗ hơn 39 tỷ đồng, sau khi có lãi trong năm 2020.

An Cường là công ty có hệ thống bán lẻ trên cả nước và nhiều khách hàng là chủ đầu tư lớn cũng như xuất khẩu sang các quốc gia như Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc…

Trong báo cáo thường niên năm 2020, Gỗ An Cường cho biết, đối với thị trường trong nước, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ và nội thất phụ thuộc vào sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản, ngành xây dựng dân dụng và ngành du lịch nghỉ dưỡng. Với những diễn biến của thị trường gỗ trong và ngoài nước, để duy trì đà tăng trưởng tích cực về lợi nhuận như quý I/2021 là thách thức không nhỏ với Công ty.

Còn tại Gỗ Đức Thành, được biết, năm 2020, doanh thu xuất khẩu chiếm 85,1% trong tổng doanh thu, trong đó, châu Á là thị trường xuất khẩu chính, đóng góp 82,3% tổng doanh thu xuất khẩu, châu Âu chiếm 15,6% tổng doanh thu xuất khẩu, và 2,1% đến từ thị trường châu Mỹ. Vì vậy, việc biến động giá xuất khẩu dự báo sẽ tác động mạnh tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II này.

Quý đầu năm nay, Gỗ Đức Thành báo cáo doanh thu tăng 22,2%, đạt 100,1 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 38,9%, lên 33,2 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 29,18% lên tới 33,17%, đây là mức biên lợi nhuận gộp cao nhất kể từ năm 2019 tới nay.

Tại PTB, doanh nghiệp cho biết, trong năm 2020, cơ cấu doanh thu chế biến gỗ chiếm 53% tổng doanh thu.

Đối với mảng xuất khẩu gỗ, doanh nghiệp tận dụng sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để đưa sản phẩm sang thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ với sản phẩm chủ lực là ván nguyên liệu.

Hiện PTB đang có kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ Bình Định với hai giai đoạn, dự án được đầu tư từ quý IV/2020 đến năm 2022 sẽ hoàn thiện; trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư 236,8 tỷ đồng, sẽ đưa vào hoạt động từ quý II/2021, với khoảng 50% công suất thiết kế.

Việc giá gỗ đang và sẽ tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu gỗ tại Mỹ nói riêng, mảng xuất khẩu gỗ nói chung của PTB.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ