Theo đó, CTCP Quỹ TM Holding vừa bán 600.000 cổ phiếu HAH để giảm sở hữu từ 2,7% về còn 1,27% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 22/6.
Được biết, CTCP Quỹ TM Holding là tổ chức liên quan tới CTCP Đầu tư Sao Á D.C, đơn vị sở hữu 5,91% vốn điều lệ của HAH.
Như vậy, sau giao dịch nhóm cổ đông lớn đã giảm sở hữu từ 8,61% về 7,18% vốn điều lệ.
Ngoài ra, quỹ đầu tư Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity vừa bán ra 340.800 cổ phiếu HAH để giảm sở hữu từ 5,03% về còn 4,31% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 14/6. Như vậy, sau giao dịch quỹ ngoại đã không còn là cổ đông lớn tại HAH.
CTCP Cánh Đồng Xanh đã bán ra 89.300 cổ phiếu HAH để giảm sở hữu từ 5,15% về còn 4,96% và chính thức không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp. Giao dịch được thực hiện ngày 17/5.
Trong quý I/2021, HAH ghi nhận doanh thu đạt 359 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 85,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 28,4% và 174% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 19,2% lên 27%. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, HAH đã hoàn thành tới 54,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý I/2021 do hoạt động vận tải đường biển có những tín hiệu khởi sắc với những dấu hiệu tích cực và tăng nhu cầu vận tải từ 6 tháng cuối năm 2020.
Ngoài ra, Công ty đầu tư thêm tàu HA View vào tháng 7/2020 dẫn tới sản lượng đội tàu Hải An tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đội tàu tăng dẫn tới sản lượng hoạt động khai thác cảng và depot cũng tăng. Bên cạnh đó, giá cước vận tải tăng và giá nguyên liệu giảm cũng tác động tích cực tới lợi nhuận.
Được biết, năm 2021, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng sản lượng là 972.350 TEU, tổng doanh thu là 1.661,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 157,9 tỷ đồng. Như vậy, so với thực hiện trong năm 2020, lợi nhuận dự kiến tăng 7,7%.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6, cổ phiếu HAH tăng 1.300 đồng lên 30.950 đồng/cổ phiếu.