Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, cần thêm khoảng 120.000-140.000 tỷ đồng bơm vào nền kinh tế.
Những ý kiến về tính khả thi và những thách thức cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay lại "sôi động". Đặc biệt sau phát biểu của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại diễn đàn Quốc hội mà cụ thể là sự lạc quan về việc tăng trưởng tín dụng có cơ sở để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng lại cho rằng, khó đạt được mục tiêu đề ra, bởi dư nợ tín dụng của cả hệ thống ngân hàng ước khoảng 3,3 - 3,5 triệu tỷ đồng trong năm 2013.
“Như vậy, với 4% còn lại, sẽ cần khoảng 120.000 - 140.000 tỷ đồng bơm vào nền kinh tế. Đó là một con số ‘rất nhọc nhằn’ trong hoàn cảnh hiện nay”, một chuyên gia nhận định.
Trong bối cảnh hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, cần nới chính sách tiền tệ cũng như điều kiện vay vốn để vốn đến được DN.
Nhưng ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng, nếu chỉ nhìn vào tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng mà không đặt chúng trong mối quan hệ với tổng thể nền kinh tế thì có thể tạo nên những tác động ngược chiều.
“Vì thế, trong những tháng còn lại của năm 2013 và năm 2014, cần điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trưởng mở phù hợp với tình hình vốn khả dụng của các TCTD, lãi suất thị trường liên ngân hàng.
Đồng thời, tăng cường giám sát hệ thống tài chính, hạn chế dần việc quản lý và điều hành tiền tệ bằng biện pháp hành chính. Bên cạnh đó, điều chỉnh linh hoạt các kênh cung ứng tiền, để kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…”, ông Hùng khuyến nghị.
Ông Trần Xuân Quảng, Phó tổng giám đốc thường trực Maritime Bank nêu quan điểm, các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu để khơi thông nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng; chủ động rà soát, tăng cường tiếp cận khách hàng, đánh giá và chọn lọc khách hàng phù hợp, có khả năng vượt qua được khó khăn trước mắt, để tin tưởng giải ngân.
Dịch vụ ngân hàng cần tiếp tục được đầu tư, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì niềm tin của xã hội vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo duy trì tăng trưởng huy động khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại.
“NHNN tiếp tục duy trì các thành tựu đã đạt được bằng việc điều hành thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; duy trì tốt hệ thống thanh khoản cho NHTM và nền kinh tế. Việc kiểm soát tốt tỷ giá, lãi suất cũng sẽ góp phần lấy lại sự tự tin cho các DN khi cân nhắc đầu tư. Ngoài ra, xử lý nợ xấu thông qua VAMC cũng góp phần hỗ trợ các DN có khả năng tiếp cận vốn trở lại, cũng như giúp các NHTM tiếp tục tăng trưởng tín dụng”, ông Quảng nhấn mạnh.
Để đảm bảo đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra, góp phần xử lý nợ xấu, theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, ngành ngân hàng cần tập trung vào một số nhiệm vụ: thứ nhất, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; thứ hai, các TCTD tiếp tục rà soát, đánh giá lại khách hàng và khả năng phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế để có chính sách cho vay, hỗ trợ; thứ ba, các TCTD đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay thị trường bất động sản; thứ tư, NHNN tích cực xem xét, xử lý đề nghị của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xin điều chỉnh tăng chỉ tiêu hạn mức tín dụng năm 2013 đối với các TCTD có khả năng mở rộng tín dụng; thứ năm, tiếp tục đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm và các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, xem xét trình Thủ tướng cho phép các TCTD được cho vay vượt giới hạn cho phép đối với khách hàng; thứ sáu, xem xét cho một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc DN nhập khẩu những sản phẩm trong nước không sản xuất được vay ngoại tệ theo quy định.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, để nguồn vốn tín dụng mang lại hiệu quả và bảo đảm an toàn, các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch vùng, ngành, sản phẩm, dịch vụ theo hướng sản xuất lớn, tạo ra chuỗi giá trị khép kín để đầu tư tín dụng. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính (thị trường vốn dài hạn) để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn tín dụng chỉ đóng vai trò là nguồn vốn bổ sung tạm thời, chứ không thể tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào kênh ngân hàng như hiện nay.
>> Thách thức giải ngân 100.000 tỷ đồng
>> Năm 2013: CPI xoay quanh 7%, tín dụng đạt 12%?