Nhờ sự thành công của SU7, Xiaomi vươn lên trở thành hãng xe điện lớn thứ 8 tại Trung Quốc

(ĐTCK) Tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã trở thành công ty khởi nghiệp (startup) xe điện lớn thứ 8 của Trung Quốc sau khi bán thành công hơn 7.000 chiếc sedan đầu tiên của hãng trong tháng 4.

Danh mục này không bao gồm các thương hiệu lâu đời như Volkswagen và các nhà sản xuất xe điện đã thành lập như Tesla, BYD và Geely.

Xiaomi đã là một cái tên quen thuộc tại Trung Quốc với các dòng điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng phổ biến. Hãng cùng với các công ty khởi nghiệp khác như Nio và Xpeng là những nhà sản xuất ô tô mới, tập trung vào sản xuất xe điện.

Sự phát triển thần tốc của Xiaomi vào thị trường xe điện Trung Quốc kỳ vọng sẽ tiếp tục làm xáo trộn thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi nhiều công ty trong ngành đang phải "căng mình" trong cuộc chiến về giá khốc liệt trước bối cảnh nhu cầu suy yếu.

Theo dữ liệu được công ty công bố, Xiaomi đã bán được 7.058 chiếc SU7 trong tháng 4/2024, tháng đầu tiên ghi nhận doanh số đầy đủ kể từ khi mẫu xe này được ra mắt vào cuối tháng 3. Trước đó, Xiaomi đã đặt mục tiêu giao hơn 100.000 xe trong năm nay, tương đương với doanh số trung bình hàng tháng là 11.618 chiếc cho các tháng còn lại.

Theo phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu doanh số hàng tháng từ nền tảng thông tin ô tô Dongchedi của ByteDance, Xiaomi đã vượt mặt thương hiệu xe điện Avatr của Chongqing Changan Automobile, một công ty thuộc sở hữu nhà nước, trở thành công ty khởi nghiệp xe điện lớn thứ 8 của Trung Quốc.

Thị trường xe điện ở Trung Quốc đang trở nên "đông đúc" hơn với số lượng ngày càng tăng của các công ty khởi nghiệp bao gồm cả các nhà sản xuất xe điện thuần túy như Nio và Xpeng, cũng như các thương hiệu con xe điện từ các nhà sản xuất ô tô truyền thống, bao gồm Aion của GAC và Zeekr của Geely.

Liên minh di động thông minh Harmony (HIMA) được Huawei hậu thuẫn cũng nằm trong số các công ty khởi nghiệp mới. Các thương hiệu dưới HIMA bao gồm Aito và Luxeed, với tổng doanh số xe điện đạt 20.819 chiếc trong tháng 4, theo dữ liệu của Dongchedi.

Một số mẫu xe của Huawei như Aito M5 và M9 bao gồm phiên bản mở rộng và tiêu chuẩn, song cả hai phiên bản đều được tính là xe điện, có nghĩa là doanh số xe điện thuần túy thực tế của hãng sẽ thấp hơn con số được báo cáo. Dongchedi không cung cấp dữ liệu chi tiết về doanh số của tất cả các phiên bản.

Nếu dựa theo doanh số kỳ vọng hàng tháng được Xiaomi đặt ra là hơn 11.000 chiếc cho các tháng còn lại thì hãng đang cạnh tranh sát nút với Volkswagen, một trong những thương hiệu ngoài Trung Quốc đang có kết quả kinh doanh tốt so với các hãng nội địa.

Volkswagen cho biết, trong tháng 4 hãng đã giao 13.108 chiếc xe điện thuộc dòng ID thông qua hai liên doanh tại Trung Quốc, với mức giá khởi điểm 215.900 nhân dân tệ (khoảng 29.845,59 USD), thấp hơn so với bản tiêu chuẩn SU7 của Xiaomi.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, doanh số bán hàng của Xiaomi đang được dự báo lạc quan hơn trong các năm tới. HSBC Qianhai dự báo, doanh số xe Xiaomi đạt 240.000 chiếc vào năm 2025 và 348.000 chiếc vào năm 2026.

Ở diễn biến khác, BYD là thương hiệu đứng đầu bảng xếp hạng doanh số xe điện của Trung Quốc với 120.234 chiếc được bán ra trong tháng trước. Phần lớn doanh số của BYD đến từ các mẫu xe giá rẻ.

Trong khi đó, gã khổng lồ Mỹ Tesla đạt doanh số 31.421 chiếc Model 3 và Y trong tháng 4.

Xe điện Xiaomi SU7 có giá bán ở Trung Quốc từ 215.900 - 299.900 NDT, tương đương với 29.900 - 41.500 USD. Giá bán ở Trung Quốc của SU7 bản tiêu chuẩn rẻ hơn Model 3 của Tesla khoảng 4.000 USD.

Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc (China Passenger Car Association), trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nhiều công ty Trung Quốc đang phải chuyển trọng tâm kinh doanh ra thị trường quốc tế. Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, số lượng xe Trung Quốc xuất khẩu đã tăng lên mức kỷ lục, trong khi doanh số bán trong nước giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục