Nhớ Lai Châu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Trái tim đập không một ai biết đến/Ở cuối trời Tây Bắc có Lai Châu” - thơ Trần Mạnh Hảo
Ảnh: Thành Nguyễn. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tôi vẫn muốn kể về nỗi nhớ Lai Châu bắt đầu bằng hai câu thơ đầy ám ảnh như thế.

Không hiểu từ bao giờ, cứ nghĩ đến xứ này, tâm trí tôi tự nhiên lại thốt lên hai câu thơ ấy. Một cái gì vừa xa ngái nhưng lại cũng thật gần gũi, nó ám ảnh tôi suốt những năm dài, dù Lai Châu là nơi tôi không thường hay đến.

Lần đầu tôi chạm mặt Lai Châu khoảng đầu Hè năm 2005, kể ra cũng loằng ngoằng dây muống lắm, nhưng đó cũng là nguyên cớ để tôi biết đến mảnh đất này.

Khung cảnh Tây Bắc luôn có một mê lực khó cưỡng và đầy ám ảnh. Ảnh: Thành Nguyễn.

Khung cảnh Tây Bắc luôn có một mê lực khó cưỡng và đầy ám ảnh. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngày ấy, tôi đang làm cho một tạp chí ngành. Một chiều, thằng bạn cùng quê vốn là dân họa xuống Hà Nội chơi, sau chừng đâu hơn chục cốc bia hơi Hà Nội, thằng bạn bảo: “Đêm tao lên Lai Châu, mày có đi chơi không?”

Là đứa ham vui, ham rượu, lại chưa một lần đến với cuối trời Tây Bắc, tôi gật đầu cái rụp. Đêm, hai thằng bắt xe ra Giáp Bát, cũng chẳng chuẩn bị gì nhiều, chỉ rút nốt số tiền trong tài khoản làm cái giắt lưng, thế là cuộc hành trình bắt đầu.

Cũng phải nói thêm rằng, hồi những năm 2000 ấy, Hà Nội – Lai Châu là cả một sự xa ngái thật sự. Chuyến xe chúng tôi đi khởi hành từ Giáp Bát vào 12h đêm hôm trước, mà đến mãi chiều ngày hôm sau mới đặt chân lên đất Tam Đường. Chắc giờ kể ít ai tin rằng, chỉ từ Hà Nội lên Tam Đường mà mất ngần ấy thời gian với 2 lần dừng xe ăn sáng, ăn trưa và vài lần phục vụ nhu cầu “gửi tình yêu vào đất” cho những người ngược Bắc.

Các hàng ăn chợ phiên luôn rất đông đúc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Các hàng ăn chợ phiên luôn rất đông đúc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thằng bạn tôi dân họa, từng lên đây thực tập, thế nào mấy tháng thực tập nó quen được một em gái người đồng bào ở ngay thị trấn. Hóa ra cu cậu rủ tôi lên cùng lần này, ngoài việc phụ là thăm chiến hữu (có mấy người bạn xin lên đây dạy học), thì việc chính là thăm lại bạn gái.

Đêm đó, rượu mềm môi, mấy thằng dưới xuôi gặp nhau ở vùng đất lạ, rượu bản, lãng đãng sương mù, lại thêm cái nhiệt tình của mấy cô giáo quý người, tôi say quắc. Cuộc tiếp kiến Lai Châu buổi đầu gọn gàng như thế.

Em bé vùng cao. Ảnh: Thành Nguyễn.

Em bé vùng cao. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sáng hôm sau, thằng bạn dẫn tôi ra chợ phiên chơi. Ôi, thích sao mà thích, đây là lần đầu tiên tôi chạm mặt vùng cao, ra chợ phiên khoái gì đâu. Các chị, các mẹ, váy đỏ, váy xanh, hoa văn thổ cẩm đủ cả, tằng cẩu đội trên đầu, gùi, con nhỏ địu trên lưng, tiếng cười, tiếng nói lao xao.

Ở chợ, đâu đâu cũng rượu, người ta bán rượu tràn khắp nơi, ai cũng nhiệt tình mời thử bằng những cái nắp can nhựa. Rồi còn thuốc lào nữa, người đồng bào tãi thuốc lào trên những mảnh ni lông hay bao tải cói, từng loại, từng loại xếp thành hàng, từ nhẹ đến nặng. Trong cái quánh đặc của sương sớm vùng cao, tiếng nõ thuốc lào rít lên òng ọc, mùi của đồ ăn, đồ uống cùng khói bếp quấn quýt lấy người, khói nhẹ, sương nặng, hai thứ ấy tranh giành nhau quẩn mãi trên mái lá chợ phiên, như níu chân khách đường xa.

Thử thuốc lào - hình ảnh quen thuộc với mỗi dịp chợ phiên vùng cao. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thử thuốc lào - hình ảnh quen thuộc với mỗi dịp chợ phiên vùng cao. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bữa đó, hình như tôi lại kề cà và hơi say say lần nữa, chỉ tiếc lần đó đi vội, chả mang theo máy ảnh nên không có tý tư liệu nào cho những trang viết sau này.

Cái háo hức của buổi đầu tiên bao giờ cũng thật lạ. Riêng với tôi, chẳng hiểu sao tôi có tính nhớ dai, tôi vẫn nhớ như in cảnh vật, con người, không khí, cảm như đó là một thước phim quay chậm đặt trong đầu, chỉ cần một điểm chạm (như hôm nay trên timeline Facebook, con bạn tag tôi từ năm ngoái với câu ngắn gọn: “Vẫn chờ lão lên uống rượu”, là nó sẽ hiển hiện rõ mồn một).

Đi chợ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đi chợ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Quay lại chuyện chơi chợ. Tôi vốn khoái và ngưỡng mộ tập quán của người đồng bào, lại là người mê rượu, tôi như cá gặp nước, tôi đã ăn thử bao nhiêu nắp can, rồi ăn từ bánh chưng rán, cho đến các loại bánh trái, xôi xanh, đỏ, tím vàng… đã chơi với cả một niềm hào hứng của người lần đầu chạm mặt Tây Bắc.

Tôi đã biết Lai Châu như thế.

Cách đây mấy năm, có lần chán Hà Nội, tôi và ông em rủ nhau mò lên Tây Bắc. Bữa đó, đang ở Tả Van (Lào Cai), chạy chán quanh thị trấn Sapa, mò cả vào Séo Mý Tỷ, rồi lê la khắp các bản Hồ, bản Phùng, và tôi bảo cậu em: “Hay hai anh em mình phi sang Tam Đường chơi”. Thế là hai thằng xách xe máy vượt cổng trời sang Tam Đường.

Đường đi đẹp hết xẩy, núi non hùng vĩ, đường chạy vòng quanh, uốn lượn lên xuống như giai điệu bài “Inh lả ơi sao noọng ơi”, hai thằng tranh nhau lái. Bữa đó vẫn đương độ Xuân, trên màu xanh thẫm, những cây mận rừng nở hoa đỏ thẫm, hương rừng hương núi theo gió bay xa, tôi loáng thoáng còn nghe đâu như tiếng kèn môi gọi bạn, tiếng sáo Mông đùng đục, trầm trầm hòa lẫn trong khí tượng vùng cao buổi ấy…

Một khúc cua trên đường từ Sapa sang Tam Đường. Ảnh: Thành Nguyễn.

Một khúc cua trên đường từ Sapa sang Tam Đường. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đầu giờ chiều, hai thằng cũng đến nơi, nhưng Tam Đường giờ khác quá, bóng dáng thôn bản, chợ phiên ngày xưa không còn, thay vào đó là chợ mới, khu hành chính hiện đại chia theo kiểu ô bàn cờ. Thị trấn giờ đã được quy hoạch lại, khang trang hơn nhiều. Từng nhận diện một Tam Đường đầy sắc màu vùng cao, với các chị áo đỏ, áo xanh dập dìu, với chợ phiên đầy người và khói, lẫn trong bóng núi, tàng cây… lần này tôi khá thất vọng.

Có lẽ, đó là cái ích kỷ chung của không ít dân du lịch, chỉ thích đâu những thứ xưa cũ, có phần kham khổ, lạc hậu, trong khi đồng bào cũng cần phát triển và bắt kịp dưới xuôi. Biết vậy, nhưng tôi vẫn không thể tìm lại niềm hào hứng như trước, thế là sau khi chạy lên xem thác Tác Tình và động Tiên Sơn, chúng tôi lại “quay xe”, trở lại Tả Van.

Động Tiên Sơn. Ảnh: Thành Nguyễn.

Động Tiên Sơn. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chuyến trở lại Tam Đường coi như thất bại. Bù lại, bữa đó chúng tôi có một buổi ngắm hoàng hôn thật rực rỡ ở đèo Ô Quy Hồ. Chiều xuống, mặt trời như một cục than đỏ nhẹ buông trên các con đèo, núi chập trùng, mờ tỏ trong sương lạnh, tầng tầng, lớp lớp…

Hoàng hôn trên đỉnh Ô Quy Hồ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hoàng hôn trên đỉnh Ô Quy Hồ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tôi đã trở lại cuối trời Tây Bắc như thế mà vẫn thấy nhớ khôn nguôi, vẫn chưa đã cơn thèm, có lẽ cũng bởi cái tính tùy hứng khiến cảm xúc bị rơi nhanh quá, nhưng tôi biết, Tam Đường hay Lai Châu còn nhiều chỗ đẹp lắm, mấy nay thấy dân tình đưa ảnh rừng già mà thấy phát mê.

Có lẽ, rồi hôm nào hết dịch, tôi sẽ trở lại nơi này, nhờ con bạn chỉ cho chỗ nào còn gần gũi với cái nguyên bản xưa kia, để cái thèm thuồng về một Tam Đường, một Lai Châu ngày cũ không còn là mong nhớ.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục