NHNN không chỉ xây dựng chỉ tiêu lạm phát

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngân hàng trung ương (NHTW) là điều tiết lượng tiền tệ và quyền năng lớn nhất là định đoạt lãi suất.
NHNN không chỉ xây dựng chỉ tiêu lạm phát

Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Nghị định 156/2013/NĐ-CP vừa ban hành lần đầu tiên quy định, Ngân hàng Nhà nước là NHTW. Với nghị định này, vai trò NHTW của Ngân hàng Nhà nước đã nổi bật chưa, thưa ông?

Đúng vậy, Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Nghị định 156/2013/NĐ-CP lần đầu tiên khẳng định Ngân hàng Nhà nước là NHTW. Tuy nhiên, trong Nghị định 156/2013/NĐ-CP, vai trò, chức năng của Ngân hàng Nhà nước và NHTW đang bị trộn lẫn vào nhau, không được quy định rõ ràng.

Cụ thể, theo Điều 1 của Nghị định, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị cung ứng dịch vụ tiền tệ của Chính phủ, quản lý nhà nước các dịch vụ công - tức là chức năng Ngân hàng Nhà nước đơn thuần, phục vụ Chính phủ, chứ không phải phục vụ nền kinh tế. Tuy vậy, Điều 1 cũng quy định, Ngân hàng Nhà nước là NHTW, là ngân hàng của các tổ chức tín dụng.

Chính vì vai trò, nhiệm vụ không được quy định rõ, nên quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là NHTW cũng không được quy định rõ trong Nghị định.

Đơn cử, việc quy định hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu lạm phát là không hợp lý. Trách nhiệm lớn nhất của NHTW là điều tiết lưu lượng tiền cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, không để xảy ra lạm phát, hay kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất, chứ không phải xây dựng chỉ tiêu lạm phát.

Nếu nói, nhiệm vụ quan trọng nhất của NHTW là điều tiết lưu lượng tiền cho nền kinh tế, thì quyền hạn lớn nhất đi kèm của NHTW là gì, thưa ông?

Quyền hạn lớn nhất của NHTW là in, phát hành tiền và được định đoạt lãi suất thị trường thông qua xác lập lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Đơn cử, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, NHTW Nhật Bản muốn cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 1 - 2%/năm, nên đã áp dụng lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại ở mức 0,1 - 0,5%/năm. Hay tại Mỹ, để doanh nghiệp vay với lãi suất 1 - 2%/năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0 - 0,1%. Dĩ nhiên, tái chiết khấu, tái cấp vốn chỉ dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Tại Việt Nam , Ngân hàng Nhà nước chưa làm được điều này, dù luật pháp cho phép. Hiện các ngân hàng thương mại chủ yếu cho vay từ nguồn tiền huy động trong dân, chứ không phải từ nguồn tiền chiết khấu hay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

 

Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước ồ ạt bơm vốn giá rẻ qua kênh tái chiết khấu, tái cấp vốn, liệu lạm phát có quay trở lại, thưa ông?

Đây là lo lắng không có cơ sở. Đầu tiên, NHTW phải xác định, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm, liều lượng tiền cần bao nhiêu là đủ, trên cơ sở đó để bơm tiền ra, chứ không phải bơm ồ ạt. Tiếp đó, phải quản lý được dòng tiền, đảm bảo tiền đi vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước đều khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, vậy làm sao có thể gây lạm phát được.

Vấn đề là, phải kiểm soát luồng tiền giải ngân cho tốt. Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện cho vay dựa vào tài sản thế chấp, chứ không theo dự án và không giám sát được dòng tiền giải ngân.

 

Có lẽ chưa giám sát được dòng tiền chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước chưa dám bơm tiền qua kênh tái cấp vốn?

Chưa dám làm, nhưng rồi sẽ phải là. Vừa làm, vừa chỉnh đốn hệ thống. Để làm được, trước hết, NHTW phải biết rõ quyền hạn, trách nhiệm của mình và phải xây dựng lộ trình triển khai. Nếu không thực hiện được quyền hạn này, NHNN không phải là NHTW.

 

Vậy trong bối cảnh kinh tế hiện nay, để thực hiện quyền năng của một NHTW, Ngân hàng Nhà nước phải làm gì đối với vấn đề lãi suất?

Hiện nay, mức lãi suất cho vay mà doanh nghiệp có thể chấp nhận là 9%/năm, vậy tại sao Ngân hàng Nhà nước không “quyết” lãi suất cơ bản là 6%? Còn nếu muốn áp dụng lãi suất tối ưu cho nền kinh tế phát triển là 6%, thì NHTW nên đưa lãi suất cơ bản xuống 4% và triệt để áp dụng Bộ luật Dân sự về lãi suất trần cho vay.

Một số ý kiến lo ngại, nếu lãi suất tiết kiệm xuống mức 5 - 6%/năm, thì người dân không gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng thương mại sẽ thiếu thanh khoản để cho vay. Như tôi đã nói, NHTW trong tay nguồn tiền vô hạn định (quyền phát hành tiền), nên không sợ thiếu tiền. Dĩ nhiên, NHTW phải điều tiết lưu lượng tiền hợp lý. Còn với người dân, có tiền nhàn rỗi không gửi vào ngân hàng thì họ cũng không biết làm gì. Thực tế ở nhiều nước, dù lãi suất huy động rất thấp, người dân vẫn mang tiền gửi ngân hàng.

>> NHNN sao không gọi là Ngân hàng Trung ương?

>> Lạm phát mục tiêu và mô hình NHTW độc lập

Hà Tâm (baodautu.vn).
Hà Tâm (baodautu.vn).

Tin cùng chuyên mục