Dư luận phản ánh rất gay gắt về những tác động của Chỉ thị 03 tới TTCK, ông có thể cho biết chủ trương của NHNN về vấn đề này?
Việc thực hiện Chỉ thị 03 hiện nay bắt nguồn từ Chỉ thị 18/2007/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ có NHNN mà các bộ, ngành khác cũng phải thực hiện. NHNN chỉ thị các tổ chức tín dụng hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán nhằm kiềm chế gia tăng tín dụng ở lĩnh vực này, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, dư luận cũng phản ánh tình trạng hàng loạt tập đoàn, tổng công ty đua nhau xin thành lập ngân hàng. Ý kiến của ông về thực trạng này như thế nào?
Là cơ quan quản lý trong lĩnh vực này, chúng tôi muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp, tiếp nhận thông tin một cách đa chiều. Tuy nhiên, việc xem xét cấp phép vẫn phải dựa vào thể chế hiện hành, cụ thể là quy chế mới đây của NHNN về cấp phép thành lập hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần với những điều kiện cụ thể.
Liên quan đến vấn đề lạm phát, nhiều tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã đưa ra dự báo về lạm phát của VN trong năm 2007 là 7,8%. Đây cũng là mục tiêu mà VN đang hướng tới, vậy có giải pháp nào để kiểm soát tỷ lệ này?
Chủ đề lạm phát đang là mối quan tâm của cả Chính phủ và các bộ, ngành, trong buổi làm việc với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/9, chúng tôi cũng đề cập vấn đề này; việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát do đó sẽ rất quyết liệt. Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao (ở mức 8,2-8,5%), đồng thời giữ tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đã đặt ra. Cả 2 mục tiêu này đều quan trọng và cần phải đạt được.
NHNN Việt Nam rà soát các chính sách điều hành tiền tệ để có biện pháp thích hợp kiểm soát được mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức huy động tín dụng; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền trong lưu thông ở mức hợp lý; giữ bình ổn tỷ giá hối đoái, các lãi suất chủ đạo của đồng tiền Việt Nam, không để xảy ra những đột biến trên thị trường tiền tệ.
Bộ Tài chính tổ chức ngay việc phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông trên cơ sở giải ngân nhanh, có hiệu quả số tiền huy động từ trái phiếu và tuân thủ quy trình, thủ tục đầu tư hiện hành. Triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán và điều hòa cung cầu chứng khoán, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; chọn những công ty có uy tín để phát hành cổ phiếu thu hút tiền lưu thông cho sản xuất.
(Trích Chỉ thị 18/2007/CT-TTg)