Nhóm trụ thu hút dòng tiền
VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ hai của tháng 8 tại 1.232,21 điểm, tăng 0,5% sau một tuần giao dịch đầy biến động. Phiên cuối tuần đáng chú ý khi chỉ số lùi về 1.213 điểm vào đầu phiên chiều, tiếp tục lấp khoảng trống (gap) 1.225 - 1.235 điểm đã tạo ra từ đầu tuần, sau đó hồi phục, tạo cây nến xanh rút chân mạnh.
Thanh khoản giảm trong 3 phiên giữa tuần khi chỉ số đi xuống cho thấy sự điều chỉnh của thị trường chủ yếu mang tính chất kỹ thuật, bởi trước đó có diễn biến tăng kéo dài. Với quán tính từ phiên giao dịch cuối tuần qua, xác suất cao là VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong những phiên đầu tuần mới, hướng tới đỉnh ngắn hạn gần nhất là 1.245 điểm.
Dòng tiền ghi nhận vận động tích cực giúp nhóm ngành thép, ngân hàng và một số cổ phiếu nhóm trụ như VIC, VHM, VRE tăng giá mạnh. Tuy nhiên, dòng tiền chịu áp lực chốt lời ở nhiều nhóm cổ phiếu khác. Trong trường hợp thị trường tạo nhịp rũ bỏ thành công, lực cầu được kỳ vọng sẽ quay trở lại, tập trung vào các nhóm cổ phiếu như bất động sản, chứng khoán, thép.
Ngành chăn nuôi lợn đáng quan tâm
Giá lợn hơi trong nước ghi nhận tăng 27,5% từ mức đáy thấp nhất được xác nhận trong tháng 3 năm nay và duy trì trên mức giá trung bình hơn 60.000 đồng/kg trong 3 tháng gần nhất. Biến động về nguồn cung thịt lợn trong khi nhu cầu ổn định và có dấu hiệu sẽ gia tăng từ nay cho tới cuối năm là những yếu tố củng cố nền giá cao của loại thực phẩm này.
Diễn biến giá thịt lợn bình quân trong 2 năm qua. |
Với mức giá vốn chăn nuôi lợn của các hộ dân nhỏ lẻ khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg thì việc giá lợn về vùng giá đáy 48.600 - 49.000 đồng/kg trong những tháng đầu năm nay dẫn tới không ít hộ dân phải cắt lỗ đàn lợn và treo chuồng đến hết quý II/2023. Tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khiến đa số hộ dân chịu ảnh hưởng kép. Dịch bệnh đã có vắc-xin, nhưng xuất hiện nhiều chủng mới, trong khi mức độ phổ cập sử dụng là không lớn đối với hộ dân nhỏ lẻ.
Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn như Dabaco (DBC), Nông nghiệp BAF (BAF), Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với giá vốn tốt hơn (quanh mức 49.000 đồng/kg) có khả năng gia tăng thị phần và vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành khi có các mảng kinh doanh khác bù đắp.
Cuối tháng 7, giá lợn hơi trong nước giảm nhẹ do ảnh hưởng từ nguồn cung nhập lậu từ Campuchia và Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tình hình này nhanh chóng được giải quyết khi giá lợn Trung Quốc tăng 26% trong tuần cuối tháng 7 và Chính phủ đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu.
Về nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán đang được hưởng lợi. Còn nhu cầu tiêu thụ có thể sẽ tăng dần cho tới cuối năm, khi hoạt động dịch vụ ăn uống cải thiện, đi cùng sự hồi phục của nền kinh tế. Việc học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè góp phần gia tăng nhu cầu từ các căng-tin trường học. Nhiều sản phẩm có sử dụng thịt lợn liên quan tới các dịp lễ hội cũng giúp gia tăng sản lượng cho các doanh nghiệp.
Một trong những doanh nghiệp đáng quan tâm là Dabaco. Trước tình hình nguồn cung thu hẹp, doanh nghiệp này đã nỗ lực tái đàn trở lại khi đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào trang trại mới ở Thanh Hóa để nuôi 5.000 lợn bố mẹ và 1.200 lợn ông bà. Dabaco có kế hoạch nhập thêm 6.000 lợn bố mẹ và 6.000 lợn ông bà cho đến cuối năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công ra mắt loại vắc-xin với tỷ lệ chết là 0% và ký thêm được hợp đồng sản xuất vắc-xin dịch tả lợn cổ điển, dịch lở mồm long móng.
DSC ước tính, lợi nhuận năm 2023 của Dabaco có thể đạt 203 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 839 đồng, tương đương P/E dự phóng 17,6 lần. Theo đó, giá mục tiêu của cổ phiếu DBC năm nay là 29.500 đồng/cổ phiếu, tăng 12,5% so với giá đóng cửa cuối tuần qua.