Nhìn thẳng vào sức khỏe CTCK

(ĐTCK-online) Vấn đề nổi cộm khi bàn đến sức khỏe tài chính của khối CTCK là sự nhập nhèm các khoản vay vốn của khối này với ngân hàng.
Nhìn thẳng vào sức khỏe CTCK

Nhìn thẳng vào sức khỏe khối CTCK và khả năng sống còn của khối này để xây dựng phương án tái cấu trúc, đó là cảm nhận chung của nhiều thành viên thị trường khi đọc bản dự thảo Đề án tái cấu trúc các CTCK do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xây dựng mới đây. Đề án tái cấu trúc CTCK là một phần của Đề án tái cấu trúc TTCK Việt Nam , dự kiến được thực hiện từ đầu năm tới.

Theo UBCK, hoạt động kinh doanh của CTCK phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường. Năm 2007, lợi nhuận sau thuế của khối CTCK đạt 3.319 tỷ đồng, nhưng sang năm 2008 lại bị lỗ 3.271 tỷ đồng. Năm 2009, TTCK phục hồi trở lại mang đến khoản lãi 4.791 tỷ đồng cho CTCK, nhưng con số này năm 2010 chỉ còn 1.830 tỷ đồng. Sang năm 2011, TTCK tiếp tục suy giảm trầm trọng, nên chỉ trong 9 tháng đầu năm, con số lỗ của khối DN này đã lên đến gần 1.500 tỷ đồng.

Thực tế trên cho thấy, chưa một ngành nào lại có kết quả hoạt động bấp bênh như ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam . Trong giai đoạn TTCK tăng mạnh, nhiều CTCK đã thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, với khoản thặng dư vốn cổ phần hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, chung cuộc tính đến thời điểm này, 105 CTCK tại Việt Nam có tổng vốn điều lệ 35.000 tỷ đồng, thì vốn chủ sở hữu chỉ có 38.000 tỷ đồng.

Vấn đề nổi cộm khi bàn đến sức khỏe tài chính của khối CTCK là sự nhập nhèm các khoản vay vốn của khối này với ngân hàng. Theo UBCK, các khoản vay của CTCK được các ngân hàng tài trợ dưới nhiều hình thức khác nhau, như cho vay trực tiếp, đầu tư trái phiếu, ủy thác đầu tư vốn, mua bán lại chứng khoán… Đáng ngại hơn, nhiều ngân hàng đã sử dụng CTCK để lách các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong việc cho vay và đầu tư, dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng và CTCK. Ngoài những nguyên nhân khách quan từ khó khăn vĩ mô trong nước và quốc tế, một nguyên nhân quan trọng làm suy yếu khối CTCK là tình trạng nhiều cá nhân, không đủ chuyên môn và khả năng quản trị, cũng đổ vốn lập CTCK với hy vọng kiếm lời nhanh chóng trên TTCK Việt Nam.

Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải tái cấu trúc CTCK, đặc biệt là tái cấu trúc về tài chính và quản trị nhằm vực dậy khối công ty này. Đây cũng là hoạt động tất yếu mà TTCK các nước phải trải qua sau thời kỳ đầu bùng phát. Thực tế, tại Trung Quốc, thời kỳ cao điểm, TTCK nước này có 2.000 CTCK, nhưng sau đó đã thu gọn chỉ còn 74 CTCK và hiện nay là 100 CTCK. Tại Đài Loan, TTCK của nền kinh tế này từng có tới 280 CTCK, nhưng sau mấy tháng tái cấu trúc, chỉ còn 48 CTCK.

Quá trình tái cấu trúc CTCK tại Việt Nam mới ở giai đoạn khởi động, nhưng một số yếu kém của khối DN này đã bắt đầu bục vỡ, rất cần có biện pháp mạnh trên tinh thần bảo vệ số đông. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là ứng xử trước thực trạng trên, nhiều chủ thể liên quan lại đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ vốn từ một số ngân hàng,  với hy vọng cứu được và tiếp tục giữ những thực thể ung nhọt trong khối CTCK.

Trong đề án UBCK xây dựng đã đề cập nhiều biện pháp mạnh, như đình chỉ lưu ký mới, đình chỉ tư cách thành viên, rút nghiệp vụ môi giới, yêu cầu giải thể, phá sản… để lành mạnh hóa khối CTCK. Tuy nhiên, mục tiêu này có đạt được hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự cương quyết của nhà quản lý, cương quyết đứng về phía nhà đầu tư và cương quyết giữ an toàn hệ thống thị trường.

Phạm Oanh
Phạm Oanh

Tin cùng chuyên mục