Nhìn lại quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu/khát vọng đến năm 2045 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế, trước mắt là thời kỳ 2021-2025, theo Nghị quyết số 54/NQ-CP, gồm 11 lĩnh vực với các chỉ tiêu cụ thể.
Nhìn lại quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Từ rất lâu trước đây, ông cha ta đã đề cập cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với quan điểm: phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng. Theo đó, nếu không làm nông nghiệp thì không ổn định; không làm công nghiệp thì không giàu được; không làm thương mại (và cả dịch vụ) thì không năng động, linh hoạt được; không có tri thức thì không hưng thịnh, bền vững được.

Chỉ với ít ngữ “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là trọng điểm số 1”, Việt Nam đã chuyển từ nước thiếu hụt lớn về lương thực, chuyển sang nước xuất khẩu gạo lớn hàng đầu thế giới từ năm 1988 đến nay, thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát trong những năm 80, kéo dài đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vào năm 1988, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái chỉ đạt 86 USD - là một trong các nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới.

Khi cơ bản thoát khỏi khủng hoảng, Việt Nam đã xác định chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là quá trình lâu dài. Kết quả đầu tiên phải kể đến là vào năm 2008, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.145 USD - chuyển khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp - một sự chuyển đổi vị thế rất quan trọng, kéo theo vị thế về nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng còn một số hạn chế, cả về hiệu quả đầu tư, mức năng suất lao động, sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), cơ cấu kinh tế… Mặt khác, Việt Nam đã gặp phải nhiều biến động trên thế giới từ đó đến nay. Cụ thể, với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra vào cuối 2008, Việt Nam bị tác động chậm hơn, nhưng kéo dài lâu hơn và tiếp theo là thời kỳ lạm phát cao kéo dài cho đến năm 2013.

Tiếp theo là thương chiến Mỹ - Trung, 2 nước lớn nhất thế giới, 2 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Rồi sự nới lỏng chính sách tiền tệ lớn, kéo dài của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 lan ra khắp thế giới kéo theo đứt gãy nguồn cung, giá nhiều loại hàng hóa của nhiều nước tăng cao, cao nhất trong mấy thập kỷ, vượt xa định hướng…

Mặc dù cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, nhưng do tác động của các yếu tố trên, nên mục tiêu cơ bản trở thành nước có công nghiệp tương đối hiện đại vào năm 2020 không đạt được.

Mục tiêu và cũng là khát vọng đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mục tiêu/khát vọng trên đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế, trước mắt là thời kỳ 2021-2025, theo Nghị quyết số 54/NQ-CP, gồm 11 lĩnh vực với các chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư gồm các chỉ tiêu sau: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 2021-2025: 6,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm: >6,5%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GDP: 45%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm/GDP: 32-34%; số lượng doanh nghiệp đến hết năm 2025: 1,5 triệu; số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn: 60.000-70.000; tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân/GDP: 55%; số hợp tác xã đến năm 2025: 35.000; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ: 7-7,5%.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục