Nhìn lại những giải pháp tái cấu trúc của ông Đặng Thành Tâm năm 2013

(ĐTCK) Ông Đặng Thành Tâm giờ đã có thể nở một nụ cười nhẹ nhõm khi những khó khăn mà ông phải đương đầu trong 3 năm qua đã nhẹ bớt. Các cổ phiếu ông sở hữu đã tăng giá liên tục, đưa ông trở lại nhóm 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Quan trọng hơn, các công ty của ông đã làm ăn có lãi trở lại sau những nỗ lực tái cấu trúc.

Nhìn lại những giải pháp tái cấu trúc của ông Đặng Thành Tâm năm 2013

Chủ động tái cấu trúc

Lèo lái doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn là chuyện không hề dễ dàng đối với các ông chủ, nhất là với những người có cơ nghiệp lên tới hàng ngàn tỉ đồng như ông Tâm. Đã có lúc ông chia sẻ rằng mình chỉ muốn kết thúc tất cả bằng cái chết. Nhưng cuối cùng, ông đã vượt qua được khó khăn.

Sau khi thông tin Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) có lãi trở lại trong năm 2013 sau 1 năm lỗ lớn, giá của cổ phiếu này đã tăng mạnh trong nhiều phiên. Lợi nhuận năm ngoái của Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng được cải thiện nhiều so với năm 2012.

KBC và ITA là hai đầu tàu của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) do ông Tâm nắm phần lớn cổ phần và cũng là gánh nặng lớn nhất của ông khi kinh tế khó khăn. Doanh thu của KBC và ITA giai đoạn 2010-2012 đã giảm mạnh qua mỗi năm, trong khi nợ lại tăng lên nhiều. Lãi vay là nguyên nhân chính ăn mòn lợi nhuận và khiến KBC lỗ lớn, trong khi năm trước đó lại có lãi. So với lợi nhuận gộp bán hàng năm 2012 của KBC, thì lãi vay lớn gấp 3 lần.

Thiếu tiền lại nợ nhiều, khó vay thêm được, nên ông Tâm phải tìm cách xử lý nợ. Cuối năm 2013, ITA phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu với giá 6.600 đồng/cổ phiếu để cấn trừ nợ. KBC cũng đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị 1.000 tỉ đồng để trả nợ và có thêm vốn.

Giải pháp của ông Tâm đã thành công, khi trả được nhiều nợ mà không tốn một đồng tiền mặt nào. Nhưng giải pháp này không lạ, bởi những chủ nợ hỗ trợ cho ông Tâm là các công ty liên quan như Tập đoàn Tân Tạo và Công ty Phát triển Hạ tầng Tân Tạo. Đại học Tân Tạo, Delta miền Nam, Quỹ ITA Vì Tương Lai... cũng cấn trừ giúp ITA hơn ngàn tỉ đồng hồi cuối năm 2012.

Giải pháp tái cấu trúc của Đặng Thành Tâm năm 2013 

Một nỗ lực khác của ông Tâm là rút lui khỏi ngành tài chính. Cuối năm 2012, ông Tâm và vợ đã bán hết cổ phiếu của Navibank và Ngân hàng Phương Tây. Việc rút lui cũng giúp cho ông Tâm nhẹ gánh. Bởi lẽ, Navibank và Phương Tây đều có dấu hiệu của ngân hàng yếu kém cần tái cấu trúc như nợ xấu tăng, tài sản bảo đảm chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.

Ông Tâm cũng xoay chuyển tình thế bằng cách chủ động giúp Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) thoát án hủy niêm yết. Sau 2 năm lỗ lớn, SGT có lãi trở lại dù chỉ vài tỉ đồng. Sự tình cũng khá thú vị khi ông Tâm để cho SGT chuyển nhượng công ty liên kết là Công ty Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) cho công ty khác, mà ông và gia đình sở hữu cổ phần chi phối là Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC). Không những bán có lời, SGT còn trút được gánh nặng trả lãi vay từ số nợ đã vay của SPT như thỏa thuận giữa 2 bên.

Chưa hết khó khăn

Mặc dù các công ty của ông Tâm đã có lãi trở lại, nhưng nỗi lo cũng không phải là ít. Đầu năm 2014, ITA cho biết đã được phép triển khai tiếp dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1. Đồng thời, KBC cũng thông báo thu hút được thêm vốn đầu tư nước ngoài. Những thông tin này là dấu hiệu khả quan cho sự trở mình của các doanh nghiệp của ông Tâm sau thời gian dài gặp khó.

Thế nhưng, một thách thức là ông vẫn đang thiếu tiền. Dù tái cơ cấu nợ thành công nhưng đó chỉ là khoản nhỏ so với tổng nợ. Hơn nữa, nỗ lực xoay chuyển trong những năm qua chưa giúp ông huy động được tiền mặt. Bởi vậy, tính khả thi của những dự án mới phụ thuộc một phần không nhỏ vào các kế hoạch huy động tiền mặt sắp tới. Đầu năm 2014, KBC đã chuẩn bị kế hoạch thu hút 1.000 tỉ đồng từ thị trường chứng khoán.

Ông Tâm cũng đề ra một số biện pháp nhằm tăng cường thu hồi tiền mặt. Như ở KBC, lãnh đạo công ty này cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, thu hồi các khoản phải thu từ khách hàng và thanh lý một số khoản đầu tư khác.

Theo Giám đốc một công ty tư vấn doanh nghiệp (không muốn nêu tên), bên cạnh nỗ lực tái cấu trúc về tài chính, ông Tâm cần tái cấu trúc nhiều hơn đối với hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, yếu tố thể hiện sự cải thiện hoạt động là doanh thu cũng chưa thực sự ổn định ở các công ty của ông Tâm.

Dù có lãi sau 1 năm lỗ lớn nhưng tổng doanh thu năm 2013 của ITA lại giảm còn hơn phân nửa so với năm 2012; riêng doanh thu hoạt động chính thì bị âm. Lợi nhuận của ITA năm qua chủ yếu đến từ hoạt động tài chính và nhờ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại; còn hoạt động chính vẫn bị lỗ.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Ngân hàng Hàng Hải, cho rằng chiến lược tái cấu trúc của ông Tâm là đúng hướng. Việc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam khả quan hơn sau khi trải qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế là chuyện đáng khích lệ. Tuy nhiên, đầu tư vào các cổ phiếu như ITA, KBC lại là vấn đề khác. “Những cổ phiếu này có truyền thống đầu cơ cao và không đáp ứng đủ các tiêu chí của đầu tư giá trị”, ông Khánh nhận xét.

Theo NCĐT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục