Nhìn lại những “cú sốc” trên thị trường tiền tệ

(ĐTCK-online) Việc duy trì lãi suất cơ bản 14%/năm trong tháng 9 chính là một động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái khẳng định, chưa đến thời điểm thích hợp để nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT).
Khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã qua giai đoạn khó khăn. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã qua giai đoạn khó khăn.

Việc thực hiện CSTT thắt chặt, ngoài ý nghĩa góp phần kiềm chế lạm phát, còn nhằm đảm bảo sự ổn định cần thiết trên thị trường tiền tệ. Trong 8 tháng đầu năm, các ngân hàng đã phải chịu những cú sốc khá nặng và vai trò của cơ quan quản lý trở nên rất quan trọng để giảm thiểu tác động của các cú sốc đó.

Thanh khoản

Trên thực tế, CSTT thắt chặt đã được NHNN quán triệt ngay từ những tháng đầu năm khi nhận thấy, xu hướng lạm phát và tín dụng đang gia tăng mạnh. Cụ thể, đầu tháng 2/2008, NHNN đã tăng thêm 1% tiền gửi dự trữ bắt buộc và mở rộng diện tiền gửi phải dự trữ bắt buộc ở tất cả các kỳ hạn (trước đây, chỉ có tiền gửi dưới 24 tháng mới phải dự trữ bắt buộc). Tiếp đến, ngày 20/3/2008, NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, nhưng một số tổ chức tín dụng phục vụ cho vay nông nghiệp, nông thôn thì chỉ phải dự trữ bắt buộc 5% và không phải mua tín phiếu bắt buộc nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ về khả năng thanh khoản trong những tháng đầu năm 2008 thể hiện rõ ở việc, các NHTM đã đua nhau tăng lãi suất huy động trên thị trường để thu hút nguồn vốn bù đắp thanh khoản. Trong thời gian này, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần có thời điểm lên tới 35 - 40%/năm.

Thanh khoản là rủi ro lớn nhất và tác động nhanh nhất tới sự tồn tại của một ngân hàng. Để xử lý tình huống này, NHNN đã bơm mạnh tiền qua nghiệp vụ thị trường mở, đồng thời quy định trần lãi suất tiền gửi huy động của các NHTM không được quá 12%/năm. Giải pháp trên đã có tác động tích cực, "giảm sốc" thị trường chỉ trong 10 ngày.

Tỷ giá

Vào thời điểm cuối tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trên thị trường ngoại hối (thị trường tự do), tỷ giá tăng hàng ngày, có những ngày tỷ giá lên tới mức 19.400 VND/USD, chênh lệch giữa tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng với tỷ giá thị trường tự do ngày càng lớn, thị trường ngoại hối có dấu hiệu bất ổn.

Đối với nhiều ngân hàng, đây là mảng kinh doanh mang lại nguồn thu đáng kể, tuy nhiên sự biến động của thị trường đã có tác động không nhỏ. 

Để bình ổn thị trường ngoại hối, NHNN đã thực hiện hàng loạt biện pháp, như nới rộng biên độ tỷ giá từ 1% lên mức +/-2%, tạo sự linh hoạt tỷ giá sát với cung cầu thị trường; thực hiện mở rộng đối tượng bán ngoại tệ cho NHTM, việc can thiệp dựa vào trạng thái ngoại tệ của NHTM trong ngày; thực hiện minh bạch thông tin về dự trữ ngoại hối. Các biện pháp này đã đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, trên cơ sở đó tạo dựng lòng tin của thị trường với NHNN.

Bên cạnh đó, NHNN còn thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh ngoại tệ, cấm tổ chức tín dụng không được mua bán USD thông qua ngoại tệ khác, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý các hoạt động đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật trên thị trường và thiết lập đường dây nóng. Hành động này, đã có tác động nâng cao kỷ luật thị trường, góp phần bình ổn thị trường. 

Có thể nói, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp bước đầu tạo được sự bình ổn thị trường ngoại tệ, thể hiện ở việc tỷ giá trên thị trường tự do giảm dần, sát với tỷ giá liên ngân hàng và các NHTM giao dịch tỷ giá với khách hàng trong biên độ cho phép. Đến nay, giữa tỷ giá bình quân liên ngân hàng với tỷ giá thị trường tự do không còn chênh lệnh, tỷ giá tương đối ổn định xoay quanh mức 16.650 - 17.000 VND/USD.

Lãi suất

Giải pháp mạnh thắt chặt CSTT được thực hiện từ ngày 10/6/2008 khi NHNN thực hiện cơ chế điều hành lãi suất mới, theo đó quy định các NHTM cho vay ra nền kinh tế không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, và mức lãi suất cơ bản được điều chỉnh tăng từ 12%/năm lên 14%/năm. Quy định này có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm từ tháng 6 đến nay.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng cơ chế điều hành lãi suất mới, một cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục được diễn ra giữa các ngân hàng. Trong khi trần lãi suất cho vay 21%/năm được khống chế, việc đẩy lãi suất huy động lên rất cao trong thời gian ngắn của nhiều ngân hàng đã tác động tới tâm lý người gửi tiền và hầu hết khách hàng chọn kỳ hạn tiền gửi ngắn để linh hoạt trong việc rút ra và chuyển đổi hình thức gửi tiền. Điều này khiến kỳ hạn tiền gửi trung bình co hẹp lại nhanh chóng, nhiều ngân hàng kỳ hạn bình quân đang từ 6 - 9 tháng đã nhanh chóng giảm xuống còn 1 - 3 tháng.

Kỳ hạn tiền gửi thu ngắn lại, trong khi kỳ hạn cho vay chưa thể thu hẹp nhanh, đặc biệt là các khoản vay trung và dài hạn. Điều này dẫn đến rủi ro chênh lệch kỳ hạn tăng lên cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc đẩy lãi suất huy động lên rất cao khiến khoảng lãi suất chênh lệch giữa huy động và cho vay bị thu hẹp mạnh, chỉ còn khoảng 2 - 4%/năm, không đủ bù đắp chi phí dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, chi phí quản lý... Tình trạng này diễn ra trong khoảng 2 tháng gần đây, khiến không ít ngân hàng rơi vào tình trạng càng cho vay càng lỗ.

Khó khăn này dần được khắc phục từ giữa tháng 8 trở lại đây, khi hầu hết ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động trong điều kiện kinh tế vĩ mô diễn biến khá tích cực. Khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay đang “doãng” ra sẽ giúp các ngân hàng có được lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, vốn chiếm chủ đạo trong hoạt động của các ngân hàng trong thời gian tới.

Và phía trước?

Có thể nói, trong 8 tháng đầu năm, nhất là quý II/2008, các biện pháp điều hành CSTT thắt chặt đã có tác động tích cực đối với việc kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu và duy trì đà tăng trưởng kinh tế, củng cố niềm tin về xu thế ổn định tình hình kinh tế - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.

Thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định, lãi suất liên ngân hàng gần đây biến động nhẹ, lãi suất qua đêm xoay quanh mức 16 - 17%/năm, sát với lãi suất định hướng trên thị trường mở, tỷ giá ổn định, khả năng thanh khoản của các NHTM đã qua giai đoạn khó khăn. Về tổng thể, khả năng thanh toán của các NHTM được duy trì, thị trường tiền tệ và ngoại hối đến nay chuyển biến theo hướng tích cực và từng bước ổn định so với những tháng trước đây; NHNN có khả năng điều hành các công cụ chính sách tiền tệ và tăng cường thanh tra, giám sát để kiểm soát được diễn biến tiền tệ, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng và những biến động trên thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2008.

Tuy nhiên, theo các NHTM, có một rủi ro đang hiện hữu đó là nợ xấu tăng lên. Cơn bão đi qua bao giờ cũng để lại những hậu quả nhất định, nợ xấu của mỗi ngân hàng cao hay thấp phụ thuộc vào trình độ quản trị rủi ro, nhưng cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, vào khả năng trả nợ của khách hàng.

Đối với ngân hàng, tài sản đảm bảo cho các khoản vay chiếm chủ yếu là bất động sản. Trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ, thị trường bất động sản không cải thiện được tính thanh khoản thì các ngân hàng sẽ mất không ít thời gian với bài toán nợ xấu. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu sau giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á (năm 1997) đã cho thấy điều đó.     

Tú Anh
Tú Anh

Tin cùng chuyên mục