Với hoạt động bắt đáy mạnh mẽ của phiên 8/5, đặc biệt là phiên phục hồi cuối tuần 9/5, nhiều thành viên thị trường kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ bớt tiêu cực và sáng sủa hơn trong tuần giao dịch mới từ 12-16/5. Tuy nhiên, diễn biến thị trường khi bước vào phiên đầu tuần mới (12/5) khiến nhiều người bất an.
Ngay khi bắt đầu giao dịch 12/5, lệnh bán tháo ồ ạt đã được bung ra, đẩy cả 2 sàn giảm mạnh, sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, cùng với đó sắc xanh mắt mèo cũng dày đặc hơn. Sang đợt khớp lệnh liên tục, tâm lý nhà đầu tư trở nên hoảng loạn thật sự khi bên bán ồ ạt xả hàng, trong khi bên mua không còn dám mạnh tay như 2 phiên trước, khiến cả 2 chỉ số có thời điểm rơi hơn 5,5% giống như phiên giảm lịch sử 8/5. Nhưng sau đó, các đà rơi của các chỉ số được hãm bớt.
Đến buổi giao dịch chiều, thị trường vẫn chẳng thể chuyển biến khi tâm lý bi quan, hoảng loạn tiếp tục bủa vây. Nhìn lực bán giá sàn, khó có nhà đầu tư nhỏ nào có thể bình tĩnh để nắm giữ cổ phiếu trong danh mục. Đóng cửa, VN-Index mất 25,41 điểm xuống 517,05 điểm, tương ứng giảm 4,68%, còn HNX-Index giảm 3,5 điểm xuống 70,69 điểm, tức giảm 4,72%. Thanh khoản cả thị trường chỉ hơn 2.100 đồng, kém hơn cả phiên 9/5 và thấp hơn nhiều so với phiên giảm kỷ lục 8/5.
Sau những diễn biến tích cực ở phiên cuối tuần trước đó (9/5), thì việc thị trường đột ngột giảm sâu trong phiên 12/5, nên rất khó “Dự” nào đoán đúng. Tuy nhiên, với cách nhận định trung lập thì thật là khó để trừ điểm của những BVSC, KIS, FPTS, VDSC, SHS, IVS,VCSC hay SSI. Đây là các “Dự” luôn rất “khéo” lựa chọn phương án nhận định, nhất là khi thị trường đang ở thời điểm khó lường như hiện tại.
Trong khi đó, chỉ duy nhất MBKE là ghi được điểm. Cách đánh giá của MBKE tuy chưa được chi tiết nhưng cũng khá đúng với những gì đã diễn ra ở phiên 12/5: “Mặc dù hồi phục, VN-Index đã liên tục tạo ra các mức đỉnh và đáy sau thấp hơn, đặc điểm của một xu hướng giảm. Do đó, chúng tôi e ngại rằng sau đợt phục hồi này, có thể thị trường sẽ trở lại giảm điểm. Ngoài ra, thanh khoản có thể sẽ thấp xuống trở lại”.
Ở phía ngược lại, bị mất điểm là BSC và MSBS. BSC cho rằng, trong ngắn hạn, khả năng lặp lại kịch bản giảm mạnh do bán tháo như phiên 8/5 khó xảy ra trừ khi có thông tin bất lợi quá lớn. Trong khi MSBS mất điểm khi quyết định “bảo lưu” nhận định thị trường sẽ tăng điểm ở cuối tuần trước.
Đến phiên giao dịch ngày 13/5, dư âm của phiên lao mạnh trước đó tiếp tục ảnh hưởng đến lên thị trường. Cả 2 chỉ số Index khép lại buổi giao dịch sáng trong sắc đỏ, thanh khoản giảm mạnh.
Dù thị trường đã lấy lại được cân bằng sau phiên lao dốc đầu tuần nhờ lực mua gia tăng ở một số mã bluechip, nhưng áp lực bán nhìn chung vẫn rất mạnh, khiến nhiều mã tiếp tục giảm sàn (151 mã), ngăn cản nỗ lực hồi phục của thị trường.
Về phần các “Dự”, trong bối cảnh khó đoán định như hiện nay thì không khó hiểu khi những FPTS, BVSC, KIS, SHS, BSC, IVS, MBS, VDSC lại lựa chọn phương án nhận định trung lập. Nhận định của các “Dự” này chỉ xoay quanh về rủi ro của thị trường khi vấn đề Biển Đông chưa có chuyển biến. Đáng chú ý, không biết vì “lỗi” kỹ thuật hay vì lý do nào đó mà MBS đã “bê” nguyên nhận định của phiên ngày 9/5 sang để sử dụng cho ngày 13/5!?.
Tuy nhiên, những MBKE, VCSC, SSI hay MSBS lại có cách đánh giá riêng. MSBS cho rằng, ngày 13/5 thị trường có khả năng hồi phục nhẹ. Với nhận định này thì MSBS có phiên thứ 2 mất điểm. Ở phiên trước, MSBS cũng có nhận định thị trường sẽ tăng điểm.
Trong khi đó, cả SSI, VCSC và MBKE đều ghi điểm ở phiên này với những nhận định khá chuẩn xác. SSI đưa ra nhận định dựa trên những đánh giá tổng quan, còn VCSC lại tập trung chủ yếu vào phân tích kỹ thuật để làm cơ sở cho đánh giá của mình.
Trong phiên 14/5, sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, thị trường mất 3,75 điểm và rơi xuống 510,16 điểm, nhưng ngay sau đó đã đã bật trở lại. Lực mua bắt đáy giúp một loạt mã lớn hồi phục, tăng mạnh, kéo các mã khác cùng tăng theo, giúp VN-Index leo thẳng một mạch vượt qua mốc 520 điểm. Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên HNX và chỉ số này cũng tăng mạnh, tiến tới mốc 71 điểm.
Sẵn đà hưng phấn ở buổi sáng, một lực cầu rất lớn tiếp tục được bơm vào thị trường trong phiên chiều, sự tăng nóng đã xuất hiện ở hàng trăm mã cổ phiếu. Không chỉ các bluechips ồ ạt tăng trần, mà hàng loạt mã đầu cơ cũng bật mạnh, giúp VN-Index tăng mạnh 15,62 điểm, lên 529,53 điểm, còn HNX-Index cũng tăng 2,48 điểm lên 71,87 điểm, tuy nhiên thanh khoản trên HOSE tăng tốt hơn nhiều nhờ sự tích cực của những mã trụ.
Về phần các "Dự", phiên tăng mạnh ngày 14/5 đã đem lại điểm số đầu tiên cho MSBS trong tuần giao dịch này, sau 2 phiên liên tiếp mất điểm trước. MSBS cho rằng: “Mốc hỗ trợ 510 điểm là tương đối mạnh khi 13/5 có hai lần chỉ số VN-Index giảm xuống dưới mốc này đều hồi phục trở lại. Thị trường ngày 14/5 có thể sẽ giảm đầu phiên, sau đó chúng tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ tăng điểm trở lại vào cuối phiên”. Và diễn biến của thị trường đã diễn ra đúng với những gì MSBS đã nhận định.
IVS cũng có nhận định chính xác một phần, bởi trong phiên này, đà tăng nóng không chỉ diễn ra ở các mã lớn mà còn xuất hiện ở rất nhiều mã nhỏ khác. “Chúng tôi cho rằng, rủi ro ngắn hạn của thị trường chưa hề bị loại bỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao. Vì thế, cho dù chúng tôi nghiêng về khả năng phiên 14/5, sắc xanh sẽ xuất hiện, thì những nhóm cổ phiếu này có thể vẫn tiếp tục chuỗi giảm điểm”, IVS đánh giá.
Tương tự như IVS là VCSC khi đưa ra nhận định cũng chỉ đúng 1 phần, “Chúng tôi cho rằng, hai chỉ số có thể đi ngang quanh vùng hỗ trợ 505 – 515 của chỉ số VN-Index và 67,0 - 70 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch 14/5, đây là các vùng hỗ trợ mạnh. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật của chúng tôi, hai chỉ số đang trong trạng thái quá bán mạnh cho nên khả năng đảo chiều được đánh giá cao sau xu hướng giảm kéo dài”. Trong khi phần lớn các “Dự” như KIS, FPTS, SHS, MBS, BVSC, MBKE, VDSC, BSC, SSI tiếp tục trung thành với phương án trung lập.
Phiên giao dịch ngày 15/5, nhà đầu tư lại rất nhanh chóng thận trọng trở lại. Tuy nhiên, diễn biến thị trường đã chuyển biến tốt hơn về cuối buổi giao dịch sáng khi lực cầu có dấu hiệu tích cực trở lại. Hết phiên sáng, VN-Index tăng 5,24 điểm lên 534,77 điểm, còn HNX-Index cũng nhẹ nhàng tăng lên 72,11 điểm nhờ sự tỏa sáng của nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Những tưởng thế tăng vững của phiên sáng tiếp tục được duy trì trong phiên chiều, tuy nhiên ngay khi mở của phiên giao dịch chiều, thị trường đã chứng kiến "cú sốc" mạnh khi đột ngột lệnh bán tháo được tung vào, kéo hàng loạt mã giảm giá và các chỉ số "rơi thẳng đứng". VN-Index mất gần 20 điểm chỉ trong 11 phút giao dịch đầu giờ chiều, xuống còn 512 điểm.
Nhưng nếu chỉ giảm điểm thì không thể gọi là kịch tính. Trong khi nhà đầu tư còn chưa hết bàng hoàng thì trên thị trường, lực mua giá thấp được tung vào ào ạt để bắt lượng cổ phiếu giá đỏ bị xả ra. VN-Index lại quay ngoắt tăng trở lại 12 điểm, từ 512 điểm lên 524 điểm, cũng chỉ trong vòng hơn 10 phút (từ 13h11 đến 13h21). Đã có những kết luận về một kịch bản các "tay to" đánh nhau, lợi dụng tâm lý đang hứng phấn của nhà đầu tư để thực hiện cú "úp sọt, kéo xả". Đóng cửa, VN-Index giảm 5,48 điểm xuống 524,05 điểm, còn HNX-Index giảm 1,17 điểm xuống 70,7 điểm.
Diễn biến "co giật" này của thị trường không có "Dự" nào đoán trúng. Nhưng xét một cởi mở hơn, thì MBS xứng đáng có điểm trong phiên này. “Chúng tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ chuyển động zic-zac lên xuống với biên độ lớn trong vùng điểm hiện tại, khi dòng tiền bị giằng co giữa sự hấp dẫn của các cổ phiếu ở vùng giá tốt và quan ngại về khả năng xung đột tại Biển Đông leo thang”.
Ở phía ngược lại, cả IVS, MSBS và SHS đã cùng dự đoán trật ở phiên này khi cùng chung nhận định thị trường sẽ giữ đà tăng điểm.
Trong khi đó, phía trung lập vẫn là các “gương mặt thân quen” như FPTS, BVSC, BSC, KIS, SSI, và có thêm VCSC, VDSC, MBKE.
Phiên giao dịch cuối tuần 16/5, thị trường chỉ dao động trong biên độ hẹp. Trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn không ngừng bán ra, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài mua vào, giúp thị trường trở nên cân bằng hơn. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index lấy lại 5,44 điểm, đạt 529,49 điểm, trong khi HNX-Index cũng tăng 1,61 điểm lên 72,31 điểm, nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì xu thế mua ròng mạnh.
Về phần các “Dự”, với những diễn biến cực kỳ bất ngờ trong phiên chiều 15/5, thì tất cả các “Dự” đã không còn đưa những nhận định chi tiết về thị trường cho phiên 16/5. Tất cả đều xoay quanh vấn đề về Biển Đông và những ảnh hưởng xung quanh vấn đề này đến xu hướng của thị trường.
Duy chỉ có MSBS là vẫn trung thành với cách nhận định của riêng mình. Nhưng hơi đáng tiếc là MSBS đã bị mất điểm ở phiên cuối tuần này khi đưa ra cách nhận đỉnh “đuổi” theo thị trường. “Với diễn biến giao dịch phiên này, chúng tôi nghiêng về khả năng phiên giao dịch ngày 16/5 thị trường sẽ giảm điểm khi VN- Index kiểm tra lại mốc hỗ trợ 520 điểm”, MSBS nhận định.
Tổng kết tuần giao dịch từ 12/5 đến 16/5, thị trường tuy có hồi phục, nhưng không mấy khả quan hơn so với tuần trước. Với 2 phiên tăng và có tới 3 phiên giảm, HOSE giảm tổng cộng 12,97 điểm xuống 529,49 điểm, tương ứng giảm 2,24%, trong khi HNX giảm 1,88 điểm, tương ứng giảm 2,23% xuống 72,31 điểm.
Đối với các “Dự”, MBKE và VCSC là 2 “Dự” xuất sắc nhất, nhưng cũng chí có 2 phiên trúng. Trong khi SSI, IVS, MSBS và MBS cùng có 1 phiên trúng.
Ở phía ngược lại, MSBS là “Dự” trật nhiều với 4 phiên là 12 13, 15 và 16/5. Ngoài ra, BSC, BVSC, IVS và SHS cùng có 1 phiên trật.
Trong khi KIS, FPTS và VDSC cùng tranh nhau “còi vàng” với cùng 5 phiên nhận định trung lập.
TRÚNG |
TRUNG LẬP |
TRẬT |
|
T2/12/5 HOSE(-25,41/4,68%/517,05) HNX(-3,5/4,72%/70,69) |
MBKE |
KIS, FPTS, VDSC, SHS, IVS,VCSC, SSI, MBS |
BSC, BVSC, MSBS |
T3/13/5 HOSE(-3,14/0,61%/513,91) HNX(-1,3/1,84%/ 69,39) |
MBKE, VCSC, SSI |
FPTS, BVSC, VDSC, BSC, IVS, MBS, SHS, KIS |
MSBS |
T4/14/5 HOSE(+15,62/3,04%/529,53) HNX(+2,48/3,58%/71,87) |
IVS, MSBS, VCSC |
KIS, FPTS, SHS, MBS, BVSC, MBKE, VDSC, BSC, SSI |
|
T5/15/5 HOSE(-5,48/1,03%/524,05) HNX(-1,17/1,63%/70,7) |
MBS |
FPTS, BVSC, MBKE, BSC, SSI, KIS, VCSC, VDSC |
IVS, MSBS, SHS |
T6/16/5 HOSE(+5,44/1,04%/529,49) HNX(+1,61/2,28%/72,31) |
FPTS, IVS, MBS, SHS, BVSC, KIS, SSI, BSC, MBKE, VDSC |
MSBS |