Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường đã có tuần giao dịch cuối tháng 3 khá buồn khi cùng với thanh khoản giảm, các chỉ số chính cũng diễn biến rung lắc mạnh, đáng kể là phiên lao dốc mạnh đầu tuần. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

* Phiên giao dịch đầu tuần 25/3: Cùng với đà lao dốc của chứng khoán thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng đã rơi mạnh ngay khi mở cửa. Lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều đẩy VN-Index xác lập đáy trước khi khịp hãm đà rơi, trở lại mốc 970 điểm trong ít phút cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 18,64 điểm (-1,89%) xuống 970,07 điểm, HNX-Index giảm 1,68 điểm (-1,56%) xuống 106,41 điểm, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,79%) xuống 56,77 điểm.

Về phần các Dự, TVSI nhận định thiếu chuẩn xác khi cho rằng VN-Index có thể hình thành dao động tích lũy xung quanh vùng giá hiện tại. Khả năng giảm sâu không được đánh giá cao ở thời điểm hiện tại, thậm chí trong ngắn hạn vẫn cho rằng VN-Index đang trong nhịp tăng giá.

Trong khi đó, PHS nhận trọng cho rằng thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Hay VNDirect nhận định rủi ro ngày một tăng dần.

* Sang phiên giao dịch ngày 26/3: Sau phiên giảm lao dốc hơn 18 điểm hôm qua (25/3), VN-Index hồi phục khá tốt lên sát ngưỡng 980 điểm khi mở cửa phiên, nhưng nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại do áp lực bán mạnh, trong khi dòng tiền tỏ ra dè dặt và cuối cùng xuống dưới tham chiếu khi chốt phiên sáng.

Sự nuối tiếc trong phiên sáng khiến thị trường giao dịch không mấy hứng khởi trong phiên chiều. Diễn biến giằng co kéo dài suốt cả phiên và lực cản từ một số mã lớn VIC, GAS, VRE đã khiến thị trường kết phiên trong sắc đỏ.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,28 điểm (-0,03%) xuống 969,79 điểm, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,41%) lên 106,85 điểm, UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,5%) lên 57,06 điểm.

Về phần các Dự, BVSC và TVSI nhận định sai khi kỳ vọng thị trường sẽ phản ứng hồi phục trở lại.

Cũng có nhận định sai, MBS cho rằng thị trường có thể võng xuống ở phiên buổi sáng mai trước khi có nhịp phục hồi vào phiên chiều.

Trong khi đó, BSC nhận định đúng về xu hướng nhưng vẫn khá tiêu cực khi cho rằng thị trường có phiên điều chỉnh mạnh cùng nhịp với phiên điều chỉnh của thị trường khu vực cũng như toàn cầu.

* Trong phiên giao dịch 27/3: Sau nửa đầu phiên sáng lình xình quanh mốc 975 điểm, thị trường đã tăng vọt trong nửa cuối phiên khi nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, sang phiên chiều, lực bán gia tăng, trong khi lực cầu dè dặt khiến thị trường không thể bứt lên để bù đắp hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần, mà hạ nhiệt lùi trở lại.

Đóng cửa, VN-Index tăng 6,12 điểm (+0,63%) lên 975,91 điểm; HNX-Index tăng 0,71 điểm (+0,67%) lên 107,56 điểm; UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,16%) lên 57,15 điểm.

Về phần các Dự, PHS nhận định sai khi cho rằng thị trường còn đang chịu áp lực điều chỉnh, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và đưa danh mục về mức hợp lý.

Cũng có quan điểm trái ngược xu hướng, BVSC dự báo thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ 950-960 điểm. Hay BSC nhận định thị trường có 1 phiên điều chỉnh nhẹ, trái chiều so với sắc xanh trên thị trường khu vực.

Trái lại, TVSI và MBS dự báo khá đúng khi cho rằng diễn biến hồi phục có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên tới.

* Đến phiên giao dịch 28/3: Sau diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng, tâm lý thận trọng được gỡ bỏ phần nào giúp giảm sức ép lên VN-Index. Cộng thêm sự ổn định của một số mã vốn hóa lớn, đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực của cặp đôi VIC và VHM đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 980 điểm khi chốt phiên 28/3.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,07 điểm (+0,72%) lên 982,98 điểm, HNX-Index giảm 0,22điểm (-0,21%) xuống 107,34 điểm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,41%) lên 57,39 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định sai khi dự báo đà tăng điểm của thị trường dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với vùng kháng cự 981-991 điểm.

Tương tự, TVSI nhận định khả năng kiểm tra lại vùng hỗ trợ 950-965 điểm của chỉ số trong những phiên tới cần được lưu ý.

Trái lại, BSC nhận định đúng khi cho rằng thị trường có 1 phiên hồi phục nhẹ và cùng chiều với xu hướng phục hồi của các thị trường trong khu vực.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/3: Sau khi chinh phục được mốc 980 điểm, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng khi bước vào phiên sáng cuối tuần, tuy nhiên, tâm lý thận trọng khá lớn khiến VN-Index thiếu động lực để bật cao và chỉ giao dịch giằng co quanh mốc 985 điểm trong suốt cả phiên sáng.

Bước vào phiên chiều, sau hơn 40 phút giao dịch lình xình, áp lực bán dần xuất hiện đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu. Những tưởng thị trường thoát hiểm và sẽ lấy lại đà tăng trong thời gian còn lại nhưng đột biến đã diễn ra trong đợt khớp lệnh ATC.

Đóng cửa, chỉ số Vn-Index giảm 2,22 điểm (-0,23%) xuống 980,76 điểm, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,09%) lên 107,44 điểm, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,2%) lên 57,5 điểm.

Về phần các Dự, PHS nhận định sai khi cho rằng, sau phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của VN-Index, chỉ số đang quay lại đóng cửa trên MA5 cho thấy áp lực điều chỉnh đang giảm dần. tương tự, MBS dự báo một tín hiệu tốt cho đà phục hồi bền vững của thị trường.

Trong khi đó, TVSI dự báo khá đúng khi cho rằng diễn biến hồi phục của chỉ số có thể khó duy trì khi mà đà tăng không nhận được sự hỗ trợ của yếu tố thanh khoản.

Dù không đưa ra dự báo xu hướng tăng giảm của thị trường nhưng nhận định của BSC có phần đúng khi cho rằng thị trường vẫn tồn tại nhiều rủi ro khi các thị trường khu vực có những diễn biến trái chiều trước thông tin lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục suy giảm.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.19 -0.96 -1.1% 738 tỷ