Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Trong khi các chỉ số vẫn duy trì trạng thái đi ngang tích lũy ngoài phiên giảm khá sâu vào đầu tuần thì tâm điểm của thị trường là cuộc đua của các đại gia giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với việc xoay quanh bộ 3 cổ phiếu VIC, ROS và FLC. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

* Phiên giao dịch đầu tuần 14/11: Cuộc đua giữa 2 tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam tiếp tục gay cấn trong phiên sáng nay khi cả 3 cổ phiếu ROS, FLC và VIC đều duy trì đà tăng tốt.

Và, vị trí người giàu nhất chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup nắm giữ nhiều năm nay đã chính thức thuộc về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC và Faros trong phiên chiều với tổng tài sản lên gần 33.248 tỷ đồng.

Trái với diễn biến khởi sắc và tăng sát trần của ROS, hầu hết các trụ cột của thị trường như VIC, VNM, VCB, GAS, MSN, BVH… đều quay đầu giảm sâu trước áp lực bán của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã khiến thị trường giảm sâu trong phiên đầu tuần.

Đóng cửa, VN-Index giảm mạnh 6,15 điểm (-0,91%), xuống 673,05 điểm, HNX-Index giảm khá mạnh 0,41 điểm (-0,5%), xuống 80,78 điểm.

Về phần các Dự, dù KIS cũng khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi giải ngân tại thời điểm này, nhưng công ty này vẫn đưa ra nhận định tích cực, trái ngược với xu hướng thị trường khi cho rằng tâm lý lạc quan sẽ giúp VN-Index tiếp tục tăng điểm.

Trong khi đó, SHS nhận định thị trường nhiều khả năng sẽ giao dịch giằng co trong vùng từ 665-680 điểm với VN-Index và 77-82 điểm với HNX-Index. Ngoài ra, Công ty này còn đưa ra phương án, nếu vượt được qua 680 điểm thì ngưỡng kháng cự tiếp theo của VN-Index sẽ là 690-692 điểm.

* Sang phiên giao dịch ngày 15/11: Thị trường vẫn hướng tập trung vào bộ ba VIC, ROS, FLC để phân hạng vị trí người giàu nhất của thị trường chứng khoán. Cuộc bám đuổi của các đại gia chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi có thời điểm ROS rơi xuống mức giá sàn khiến nguy cơ ông Trịnh Văn Quyết phải “trả lại” vị trí giàu nhất sàn chứng khoán vừa đạt được cho ông Phạm Nhật Vượng.

Tuy nhiên, cú đảo chiều ngoạn mục của ROS trong phiên giao dịch chiều không những giúp ông Quyết “gia cố” vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán, mà còn giúp VN-Index đảo chiều đi lên, đóng cửa với sắc xanh.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,21 điểm (+0,18%) lên 674,26 điểm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,2%) lên 81,08 điểm.

Về phần các Dự, sau phiên giao dịch giảm sâu ngày đầu tuần, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên 15/11, trái với xu hướng thực tế của thị trường như MSI, IVS. Thậm chí, MBS nhận định tiêu cực hơn khi cho rằng khả năng VN-Index sẽ kiểm nghiệm lại ngưỡng hỗ trợ 665-670 điểm và HNX-Index kiểm nghiệm tại ngưỡng 80 điểm.

Trái lại, SHS có nhận định khá đúng với thị trường khi dự đoán trong phiên 15/11, thị trường có thể hồi phục nhẹ về vùng kháng cự trong khoảng 673,5-675,5 điểm.

* Trong phiên giao dịch 16/11: Trong khi mọi con mắt đang dồn về ROS, FLCvà VIC để so sánh tài sản tăng, giảm liên tục của 2 tỷ phú USD giàu nhất sàn chứng khoán, thì HAG và HNG lại lặng lẽ nổi sóng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu hấp thụ mạnh giúp thị trường khởi sắc, các cổ phiếu trong nhóm bất động sản, khoáng sản đua nhau tăng trần. Tuy nhiên, sau 30 phút tăng mạnh, thị trường dần hạ nhiệt trước lực hãm đến các mã ROS, VIC, CTG và đóng cửa chỉ giữ sắc xanh nhạt.

Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0,34 điểm (+0,05%), lên 674,6 điểm, HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 81,13 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của SHS có phần đúng khi cho rằng xu hướng thị trường hiện tại vẫn chưa thực sự rõ ràng và nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch giằng co trong khoảng 665-680 điểm.

Tương tự, MBS cũng có nhận định thị trường biến động giằng co, 2 chỉ số biến động trong vùng 670-680 điểm với VN-Index và 80-81,5 điểm với HNX-Index.

Trong khi đó, dù có nhận định đúng với xu hướng tăng của thị trường nhưng MSI đặt kỳ vọng khá cao khi cho rằng VN-Index sẽ biến động chạm vùng 675-680 điểm.

* Đến phiên giao dịch 17/11: Thị trường đang gặp khó tại ngưỡng thử thách 675 điểm khi hầu hết các cổ phiếu bluechip đang giao dịch thiếu tích cực. Bên cạnh ông lớn VNM lình xình dưới mốc tham chiếu dù nhận được lực cầu hỗ trợ từ khối ngoại, các mã lớn khác như VIC, VCB, BVH… đều giảm điểm.

Sang phiên giao dịch chiều, thị trường diễn biến có phần tiêu cực hơn khi áp lực bán lan rộng, đẩy chỉ số VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu. Dù cổ phiếu nóng ROS đã trở lại trường đua và tăng trần đã hỗ trợ tốt nhưng không đủ sức giúp thị trường thoát khỏi phiên giảm điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,03 điểm xuống 674,57 điểm, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,4%) xuống 80,81 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của IVS có xác suất đúng khá cao khi cho rằng phiên 17/11, VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm, nhưng không quá mạnh. Mốc điểm thấp nhất mà chỉ số này có thể chạm đến là 670 điểm, nhưng toàn cảnh có lẽ vẫn có sự phân hóa.

Trái lại, MSI và BSC nhận định trái ngược với quan điểm thị trường tiếp tục phục hồi. Cụ thể, MSI nhận định VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm ở phiên 17/11 khi các cổ phiếu bluechips và midcap thuộc các nhóm ngành bảo hiểm, thép, chứng khoán có giao dịch sôi động.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/11: Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tại hàng loạt mã lớn, khiến các mã này đồng loạt giảm giá, kéo VN-Index xuống mức điểm thấp nhất phiên khi chốt phiên sáng.

Sang phiên chiều, dù ROS có cú đảo chiều ngoạn mục từ mức giá sàn, tăng vọt lên mức giá cao nhất trong ngày, nhưng lực hãm lớn đến từ trụ cột VNM khiến VN-Index chưa thể thoát khỏi phiên giảm điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,32 điểm (-0,2%) xuống mức 673,25 điểm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,29%) xuống 80,71 điểm.

Về phần các Dự,  hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định khá thận trọng. Trong đó, nhận định của FPTS chuẩn xác nhất khi cho rằng phiên cuối tuần sẽ tiếp tục diễn ra trạng thái lình xình của VN-Index trong phạm vi 673 -676 điểm.

Bên cạnh đó, BVSC còn nhấn mạnh vùng kháng cự 680-685 của chỉ số VN-Index là vùng kháng cự mạnh. Vùng giá hiện tại chưa đủ hấp dẫn để thực hiện hoạt động mua vào.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục