Phiên giao dịch đầu tuần ngày 7/12: Đà giảm của thị trường vẫn chưa có điểm dừng khi sức ép từ các cổ phiếu bluechip vẫn rất mạnh, trong khi dòng tiền chưa có lý do để trở lại khi trường.
Sau diễn biến lình xình đi ngang quanh mốc 565 điểm của phiên sáng, áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến sắc đỏ gia tăng và lan tỏa toàn thị trường kéo thị trường suy giảm mạnh.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 8 điểm (-1,4%) xuống 563,62 điểm, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,52%) xuống 79,72 điểm.
Về phần các Dự, sau ba tuần liên tiếp giảm điểm cùng thanh khoản không mấy cải thiện, không chỉ các chuyên gia mà cả nhận định của các công ty chứng khoán đêì cho rằng thị trường chưa có gì lạc quan trong phiên đầu tuần mới.
Trong đó, SSI, MSI, MBKE, BVSC đều cho rằng tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện, thị trường vẫn bi quan trong ngắn hạn. Theo SSI, “việc thanh khoản tiếp tục suy yếu và dòng tiền lại vẫn chủ yếu đi vào các cổ phiếu có tính đầu cơ trong khi nhóm Bluechip chưa có chuyển biến tích cực khiến xu hướng hiện tại vẫn chưa có gì lạc quan”.
Mặt khác, SSI lại cho rằng “Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giao dịch giằng co tại vùng giá hiện tại”.
Bước sang phiên giao dịch 8/12, đà giảm thị trường tiếp tục duy trì ở đầu phiên sáng khiến VN-Index xuyên qua ngưỡng kháng cự 560 điểm, tuy nhiên, lực cầu đã giúp thị trường hồi phục và đi ngang trong hơn 2/3 thời gian còn lại của phiên.
Diễn biến phiên chiều tiếp tục lặp lại chu trình lùi sâu dưới mốc 560 điểm, tuy nhiên, sự bứt phá mạnh của các cổ phiếu chủ chốt như các mã nhóm bảo hiểm, ngân hàng, khoáng sản đã giúp thị trường khởi sắc, chỉ số Vn-Index có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 10,53 điểm (+1,87%) lên 574,15 điểm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,53%) lên 80,14 điểm.
Về phần các Dự, sau phiên giảm khá mạnh đầu tuần, thị trường vẫn không được tiếp thêm thông tin hỗ trợ tích cực trong khi nhà đầu tư nước ngoài không ngừng tăng giá trị bán ròng lên hàng trăm tỷ đồng khiến giới phân tích đều nhận định thị trường còn tiêu cực, chỉ số VN-Index giằng co quanh ngưỡng 560-565 điểm và sớm tiệm cận mốc 550 điểm.
Nhận định của các công ty chứng khoán đi ngược với diễn biến thị trường như MBKE, MSI, SHS, BSC, BVSC.
Đáng chú ý, KIS cho rằng, “ngưỡng 560 điểm sẽ bị thử thách mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/12, tuy nhiên, vẫn chưa thấy bất kì dấu hiệu nào cho thấy xu hướng điều chỉnh đã chấm dứt, mặc dù nhiều mã vốn hóa lớn đã ở trạng thái quá bán”.
Đến phiên giao dịch 9/12, thị trường dường như đã “trở lại mặt đất” sau phiên thăng hoa trước đó. Sang phiên giao dịch chiều, áp lực xả lớn, tập trung chính ở các mã ngân hàng, dầu khí, rồi nhanh chóng lan ra toàn thị trường khiến VN-Index mất gần 9 điểm, gần như xóa sạch mọi thành quả có được trong phiên 8/12.
Đóng cửa, VN-Index giảm mạnh 8,95 điểm (-1,56%) xuống 565,2 điểm, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,67%) về 79,65 điểm.
Về phần các Dự, sau phiên tăng điểm mạnh trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã mạnh dạn hơn khi nhận định về xu hướng tăng của thị trường. Chính vì vậy, trong phiên 9/12, các nhận định đã chia ra 2 luồng ý kiến trái ngược nhau.
Cụ thể, đi ngược với xu hướng thị trường, MSI và KIS nhận định thị trường tiếp tục tăng điểm tích cực. Trong đó, vượt xa thực tế, KIS cho rằng, “VN-Index có thể tiếp tục tăng trong phiên ngày 9/12 để kiểm định lại vùng kháng cự tại 580-582 điểm”.
Trong khi đó, các công ty chứng khoán còn lại như BVSC, SHS, BSC, FPTS lại cho rằng đà phục hồi chưa bền vững. Theo BVSC, “đà tăng trong phiên 8/12 có phần thái quá ở một số cổ phiếu bluechips khiến lo ngại áp lực chốt lời sẽ sớm xuất hiện”.
Ở phiên giao dịch 10/12, VN-Index đã trải qua những nhịp rung lắc ở phiên sáng nhưng vẫn giữ được mốc 565 điểm nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu chủ chốt của thị trường như VNM, BVH, SSI. Tuy nhiên, niềm hy vọng nhanh chóng bị dập tăng khi bước sang phiên chiều. Cùng tâm trạng giao dịch thận trọng, áp lực bán mạnh, các cổ phiếu bluechip trở thành gánh nặng chính kéo thị trường suy giảm mạnh, chỉ số VN-Index về sát mốc 560 điểm.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 4,16 điểm (-0,74%) xuống 561,04 điểm, HNX-Index giảm 0,71 điểm (-0,89%) xuống 78,89 điểm.
Về phân các Dự, sau 2 phiên chạy đua với thị trường, các công ty chứng khoán đã nhận định thận trọng hơn.
Các công ty chứng khoán gồm MSI, BSC, IVS cho rằng thị trường tiếp tục giảm điểm tuy nhiên, đà giảm không qua mạnh. Trong đó, IVS cho rằng, “có thể mốc 560 điểm một lần nữa chịu thử thách”.
Trong khi đó, SHS và BVSC lại có cái nhìn khá bi quan. Theo BVSC, “sau phiên 9/12, khả năng VN-Index phá đáy và sụt giảm về ngưỡng 540-550 điểm”.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/12: Thị trường đã hồi phục tích cực trong phiên sáng nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip cùng đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu thị trường khi một số mã bật tăng trần.
Tuy nhiên, trước sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến những điểm tựa của phiên sáng hạ nhiệt, thị trường vẫn giữ được sắc xanh nhưng đà tăng đã hãm lại đáng kể. Trong đó, điểm sáng của phiên là sắc tím tại 2 mã ngân hàng STB và EIB, đặc biệt là EIB vốn lình xình trong phiên sáng cũng đua trần trước ngày đại hội.
Nhìn chung, với giao dịch nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp thực hiện các phiên bán ròng mạnh đã tác động không nhỏ tới tâm lý khối nội. Dòng tiền thận trọng hơn khiến thanh khoản tiếp tục suy giảm khi tổng giá trị trên hai sàn chưa đạt tới 1.900 tỷ đồng.
Đóng cửa, VN-Index tăng 2,39 điểm (+0,43%) lên 563,43 điểm, HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,41%) lên 79,22 điểm.
Về phần các Dự, với vùng trỗng thông tin tích cực cùng những diễn biến ảm đạm trong thời gian gần đây khiến hầu hết các công ty chứng khoán vẫn duy trì nhận định về thị trường chưa tìm thấy điểm sáng.
Cụ thể, trái với diễn biến thị trường trong phiên cuối tuần, các công ty chứng khoán gồm SHS, BVSC, FPTS, MSI cùng cho rằng thị trường vẫn trong xu hướng điều chỉnh. Đáng chú ý là cái nhìn khá bi quan của FPTS khi cho rằng thị trường có khả năng rơi vào vòng xoáy giảm điểm mới, hay BVSC nhận định “khả năng VN-Index phá đáy và sụt giảm về ngưỡng 540-550 điểm”.
Trong khi đó, nhận định của BSC lại khá trung lập khi cho rằng “Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư”.
Nhận định đúng với diễn biến thị trường nhất duy chỉ có KIS khi cho rằng “khả năng VN-Index có những phiên phục hồi kỹ thuật là có thể xảy ra”.