Nhìn lại danh mục nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 31/7 tới 2/8 là cơ hội để Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược thành Đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3 năm nay.
Nhìn lại danh mục nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam

Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản, trên thực tế, đã được lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong hơn 40 năm qua và ngày càng phát triển theo chiều sâu. Sau chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3/2014, với quyết định của cả hai bên về việc nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, mối quan hệ này ngày càng được củng cố trên nhiều mặt, từ chính trị, kinh tế, thương mại, tới giáo dục, đầu tư…

Các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio đang diễn ra tại Hà Nội sẽ tiếp tục là cơ hội để hai bên trao đổi và tìm giải pháp để thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ hợp tác.        

Tính đến hết năm 2013, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 23 tỷ USD vốn ODA và vẫn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Dấu ấn hợp tác Việt - Nhật cũng sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa, khi  công hàm trao đổi về khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD hỗ trợ máy móc, thiết bị cho cảnh sát biển Việt Nam, sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Nhật Bản.

Các khoản cam kết mới đang được tiến hành, tiếp tục đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam thêm 25 tỷ yên (khoảng 250 triệu USD) cho các dự án mới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định thành lập Trường đại học Việt - Nhật, vốn đầu tư 365 triệu USD, trong đó hỗ trợ từ ODA Nhật Bản là 200 triệu USD, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản là 13,39 triệu USD, nguồn vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam là 52 triệu USD, nguồn vốn hợp tác tài trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản là 100 triệu USD.

Không chỉ hỗ trợ nguồn lực, Nhật Bản còn đồng hành với Việt Nam trong xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Việc hai nước cùng triển khai Sáng kiến chung Việt - Nhật, hiện đã bước sang giai đoạn V, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là ví dụ điển hình. Năm ngoái, Nhật Bản lại tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với lũy kế tính đến ngày 20/7/2014 là 2.353 dự án, tổng vốn đầu tư trên 36 tỷ USD. Nhật Bản cũng là bạn hàng lớn của Việt Nam, khi thương mại hai chiều năm 2013 đạt 25,163 tỷ USD, còn trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 10,7 tỷ USD.

Không chỉ vậy, hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, lao động, du lịch, văn hóa - thông tin, giáo dục - đào tạo và hợp tác địa phương giữa hai nước cũng phát triển mạnh mẽ.

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Kishida Fumio, cùng với việc đồng chủ trì phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6, vì thế, sẽ càng thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng ngày càng phát triển toàn diện hơn, đồng thời tăng cường sự tin cậy và hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, nông nghiệp, thương mại, đầu tư…, đặc biệt là nông nghiệp - lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên đang nỗ lực thúc đẩy sau chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục