Nhìn lại 4 ngày phá giá đồng nhân tệ của Trung Quốc

(ĐTCK) Quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) mạnh mẽ và đột ngột của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong tuần khiến các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm giá trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh họa: AFP

Ngày 11/8/2015, PBOC áp dụng cơ chế xác định tỷ giá tham chiếu mới là công bố tỷ giá hằng ngày trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng dựa trên tỷ giá đóng cửa bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước. Các ngân hàng được phép giao dịch trong biên độ ±2% xung quanh tỷ giá tham chiếu.

Tỷ giá CNY/USD tiếp tục được PBOC giảm 1,6% trong ngày 12/8 và 1,1% trong ngày 13/8. Đồng thời, PBOC cũng đã có động thái để ổn định CNY bằng việc can thiệp bán ngoại tệ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước bán USD để hạn chế mức tăng của tỷ giá CNY/USD.

Thông cáo trên website của PBOC khẳng định, CNY sẽ không giảm giá thêm do kinh tế Trung Quốc đang phát triển tốt, cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, xu hướng quốc tế hóa CNY, mở cửa thị trường tài chính và dự trữ ngoại hối rất lớn, là nền tảng hỗ trợ rất tốt cho đồng CNY.

“Việc thị trường điều chỉnh những ngày qua đã thu hẹp chênh lệch 3% giữa tỷ giá tham chiếu với kỳ vọng tỷ giá của thị trường; giá trị CNY đang dần phục hồi sau 3 ngày giảm và sẽ giữ ở mức cao, không có cơ sở để tiếp tục giảm mạnh”, trợ lý Thống đốc PBOC thông báo tại buổi họp báo ngày 13/8 của PBOC.

Sau động thái của PBOC ngày 11/8, các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm giá khoảng 0,5-2% so với USD, nhưng từ ngày 12/8, mức độ giảm giá chậm lại, đến chiều ngày 13/8, hầu hết đã tăng giá trở lại so với đồng USD. Cụ thể, đồng tiền của Hong Kong (+0,04%), Đài Loan (+0,4%), Hàn Quốc (+1,41%), Philippines (+0,12%), Ấn độ (+0,24%), Malaysia (+0,42%), Thái Lan (+0,25%), cho thấy thị trường quốc tế đang đi vào ổn định, quen dần biến động thường xuyên của CNY.

Trong sáng nay, sau 3 ngày giảm liên tiếp với mức giảm 4,6% so với USD, đồng nhân dân tệ đã được điều chỉnh tăng nhẹ 0,05%. Hành động này đang phần nào chứng minh tuyên bố không cần thiết phải hạ giá đồng nhân dân tệ thêm nữa của PBOC trong ngày 13/8 là sự thực.

Đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức điều chỉnh biên độ tỷ giá tăng từ +/-1%  lên +/-2%. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên thị trường quốc tế có nhiều diễn biến nằm ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước, chẳng hạn như giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, sự cộng hưởng của việc FED dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao hơn nhiều so với dự kiến của FED.

“NHNN quyết định nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1%  lên +/-2% để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá, cho hoạt động xuất nhập khẩu trước các tác động bất lợi trên thị trường. Trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp”.

TTCK các nước cũng diễn biến tích cực, sau hai ngày giảm thì đến ngày 13/8, cả chứng khoán châu Âu và châu Á đều tăng điểm trở lại. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,99%, Dow Jones tăng 0,15%, Hang Seng tăng 0,43%, chứng khoán Singapore tăng 1,03%, Indonesia tăng 2,5%, Hàn Quốc tăng 0,4%, đặc biệt chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,76%.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục