Sốc cầu và sốc cung
Những đồ thị biến thiên của GDP và các chỉ số kinh tế vĩ mô dựa trên đánh giá tác động một số chính sách trọng cầu hay trọng cung giả định… đã làm nóng Hội thảo khoa học Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề Cộng hưởng hiệu ứng chính sách do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF) tổ chức sáng qua (12/12) tại Hà Nội.
Lần đầu tiên, theo đánh giá của ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những nhận định không mới về tác động của cú sốc cung và cầu đã được lượng hóa bằng một mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn.
Việc giảm tốc của nhóm ngành xây dựng làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế
“Việc lượng hóa được tác động của các cú sốc với nền kinh tế rất có ý nghĩa trong điều hành kinh tế của Chính phủ. Với bối cảnh của kinh tế Việt Nam, không thể tách bạch các chính sách trọng cung hay cầu, mà cần nghệ thuật điều hành với những liều lượng chính sách được cân nhắc cẩn trọng”, ông Bá nói.
Trong mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn cho 5 khu vực sản xuất lần đầu tiên được Nhóm Nghiên cứu do NCEIF công bố, với giả định, đầu tư khu vực nhà nước tăng 1% làm cầu cuối có thể tăng tới 2,4%, nhập khẩu tăng 1,9% và GDP hiện hành tăng 0,82%. Trong trung và dài hạn, cầu cuối cùng và nhập khẩu vẫn giữ mức tăng khá ổn định ở mức tương ứng là 2,5 - 2,7% và 1,9 - 2%. Tuy nhiên, GDP hiện hành có xu hướng giảm dần.
Trong khi đó, giả định giảm thuế giá trị gia tăng 1%, trong ngắn hạn, sẽ làm các yếu tố như cầu cuối cùng, GDP, nhập khẩu tăng khoảng 0-0,4%; xuất khẩu gần như không tăng và lạm phát giảm mạnh. Trong trung hạn, theo Nhóm Nghiên cứu, các yếu tố cầu cuối cùng và nhập khẩu tiếp tục tăng (tương ứng trên 0,8% và trên 0,4%) và có xu hướng ổn định. Trong cú sốc này, GDP vẫn tăng nhẹ trong trung hạn, với mức gần 0,4%, ổn định trong dài hạn.
“Với mô hình này, cú sốc cầu làm GDP hiện hành tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng giảm dần theo thời gian có thể sẽ hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong khi đó, cú sốc cung làm tăng GDP chậm hơn, song duy trì được mức ổn định trong trung và dài hạn. Tùy mục tiêu điều hành, dựa trên những đánh giá tác động, Chính phủ có những lựa chọn chính sách phù hợp”, bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCEIF phân tích.
Giá phải trả và sức chịu đựng của nền kinh tế
Trong đánh giá tác động chính sách phát triển nhóm ngành giai đoạn 2014-2015, NCEIF đã đưa ra dự báo độ doãng cách giữa tăng trưởng tiềm năng và thực tế đang chênh khoảng 0,93 điểm phần trăm trong năm 2014; 0,87 điểm phần trăm trong năm 2015. Đây là khoảng cách khá lớn của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay.
Cũng phải nói thêm, việc giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế giai đoạn 2011-2012 xét từ nhóm ngành chính là do giảm tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành xây dựng giảm sút. Các nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ khác có tốc độ tăng thấp hơn hẳn giai đoạn trước đó.
“Cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều, nhưng đáng tiếc là, với chính sách hiện tại, chủ yếu dựa vào vốn (chiếm 60%), lao động (25,5%), trong khi yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ đóng góp 14,4%”, ông Bá nhấn mạnh vào các con số được tính toán cụ thể và cho rằng, đây là cơ sở để tính cái giá phải trả cho các kế hoạch tái cơ cấu, cũng như sức chịu đựng của nền kinh tế…
Bài toán chính sách với từng ngành được các chuyên gia đưa ra khá rõ ràng. Ngành xây dựng còn nhiều tiềm năng, nhưng hiệu quả đầu tư thấp, nên chọn hướng tăng hiệu quả, công nghệ, chứ không cần gọi thêm quy mô. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm năng phát triển tốt trong năm 2014, có hiệu quả đầu tư cao cần ưu tiên đầu tư. Nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm còn tiềm năng phát triển, nhưng cũng theo hướng tăng hiệu quả, lao động, chứ không tăng quy mô vốn…
Rõ ràng, các dự báo kinh tế và khuyến nghị chính sách dựa trên đánh giá tác động chính sách đang khiến công việc của giới nghiên cứu và hoạch định chính sách gần nhau hơn.
Chính sách tăng đầu tư khu vực nhà nước cần được thực hiện thận trọng”
|
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCEIF |
Chính sách tăng đầu tư khu vực nhà nước cần được thực hiện thận trọng khi gây ra khả năng lạm phát tăng cao liên tục. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc tăng thêm đầu tư khu vực nhà nước có thể thúc đẩy các yếu tố tích cực tăng trưởng GDP.
Đối với nhóm ngành, cần khuyến khích đầu tư vào nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo, do đầu tư vào nhóm ngành này có thể tác động tích cực vào GDP, mà không gây sức ép tăng giá.
2014 sẽ là năm thách thức đối với doanh nghiệp nhà nước”
|
Ông Trần Tiến Cường, Nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương |
Cơ hội để tháo điểm nghẽn lớn nhất cho doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch thoái vốn có thể sẽ được mở ra trong năm 2014 nếu Bộ Tài chính trình Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội cho phép doanh nghiệp được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá.
Trong khi đó, quyết định thu nộp ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu, một mặt, sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác. Nhưng mặt khác, thu nộp lợi nhuận, cổ tức về Nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho khối doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay, làm đảo lộn các tính toán, các dự án đầu tư phát triển trong năm 2014.
Cần nghiên cứu tác động chính sách để đảm bảo mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô
|
Ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới |
Cách đây vài năm, một số chuyên gia kinh tế nước ngoài đến Việt Nam và đề nghị muốn làm việc với các cơ quan chuyên mô về đánh giá tác động chính sách. Tôi đành chỉ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, vì thực sự chưa có một cơ quan chuyên trách nào thực hiện việc này. Với mô hình này, chúng tôi hy vọng, sẽ có nghiên cứu sâu về tác động chính sách trước khi đưa ra chính sách cụ thể, đảm bảo mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô và tính khả thi của chính sách.
Với mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn, cần phải xem xét thêm tác động của khu vực FDI trong các ngành sản xuất, để có nhận định chính sách phù hợp.
Vấn đề về hiệu quả đầu tư cũng phải được thể hiện rõ trong khung chính sách. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa đạt được điều này.
>> Kinh tế vĩ mô: Người trong cuộc bi quan?
>> Kinh tế 2014: Những dư địa tăng trưởng - Kỳ I
>> Kinh tế 2014: Những dư địa tăng trưởng - Kỳ 2