Nhiều yếu tố tác động lớn lên lạm phát

Dù giá xăng dầu không tăng như dự kiến vào ngày 18/3/3019, song TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn lo ngại, CPI năm nay sẽ tăng trên 4%, nếu việc điều hành không linh hoạt, kịp thời.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

CPI năm 2018 tăng 3,54% và 2 tháng đầu năm nay cũng chỉ tăng 2,6%. Ông có lo CPI năm nay sẽ tăng trở lại?

Mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng 6 - 7% so với kỳ trước (ngày 2/3/2019), theo nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, giá xăng dầu bình quân trên thị trường thế giới trong vòng 15 ngày tăng thì giá bán lẻ trong nước sẽ tăng và ngược lại.

Đúng ra, giá xăng dầu bán lẻ vào ngày 17 hoặc 18/3/2019 đã phải tăng tương ứng, song cơ quan quản lý giá mặt hàng chiến lược này (Bộ Tài chính và Bộ Công thương) đã quyết định không điều chỉnh giá xăng dầu, mà sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để can thiệp. Đây là điều rất đáng ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu trong thời gian tới, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, Quỹ Bình ổn không còn đủ nguồn lực (đến đầu năm 2019, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ còn hơn 3.504 tỷ đồng), thì buộc phải tăng giá xăng dầu với biên độ lớn. Khi đó, khó kìm được lạm phát, vì xăng dầu cùng với giá điện là đầu vào của nền kinh tế và cũng là thứ không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Chưa kể, mỗi khi giá xăng dầu tăng mạnh thường dẫn tới tăng giá dây chuyền của các loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Giá xăng dầu biến động thường xuyên, song mục tiêu giữ CPI dưới 4% vẫn đạt được trong nhiều năm gần đây. Vì thế, có lẽ không quá lo lắng khi giá xăng dầu thế giới tăng trở lại, thưa ông?

Khác với những năm trước, năm nay, CPI còn bị tác động rất lớn trước việc giá điện bình quân dự kiến tăng từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh. Kể từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường đối với hầu hết các loại hàng hóa phải chịu sắc thuế này đều tăng, trong đó, mỗi lít xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, diesel tăng thêm 500 đồng/lít…

Bên cạnh đó, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như viện phí và các mặt hàng chuyển từ phí sang giá năm nay tiếp tục tăng theo lộ trình.

Nhưng điều thực sự đáng lo ngại là dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng. Nếu không nhanh chóng dập dịch, thì chưa biết điều gì sẽ diễn ra, vì khoảng 70% thực phẩm sử dụng trong các gia đình Việt Nam là thịt lợn. Một khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, người dân tạm dừng không nuôi lợn nữa sẽ dẫn tới thiếu nguồn cung thực phẩm trong một thời gian dài, dẫn đến giá cả leo thang.

Các loại hàng hóa, dịch vụ như điện, nước, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… thì có thể tạm thời chưa tăng giá vì nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước, nhưng mặt hàng xăng dầu là không thể vì mặt hàng này phụ thuộc vào thị trường thế giới?

Xăng dầu là mặt hàng vô cùng khó dự đoán diễn biến giá cả vì mặt hàng này không chỉ phụ thuộc vào cung - cầu, mà còn phụ thuộc vào cả yếu tố chính trị của các nền kinh tế lớn. Đơn cử, tháng 10/2018, trước việc Hoa Kỳ cấm vận xuất khẩu dầu mỏ với Iran - một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - các chuyên gia và tổ chức tài chính thế giới dự báo giá dầu sẽ tăng mạnh, vì thế, Quốc hội đã thông qua dự toán giá xăng dầu năm 2019 là 65 USD/thùng, tăng 15 USD/thùng so với giá dự toán năm 2018. Nhưng thực tế, giá dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm.

Xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế, là chi phí đầu vào của doanh nghiệp, là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên giá thành sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, Chính phủ đang quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, giảm thiểu thanh tra, kiểm tra, giảm chi phí không chính thức…, nhằm giảm giá thành sản phẩm, qua đó góp phần làm giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Còn yếu tố tiền tệ thì sao?

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đặt ra là 17%, nhưng cuối cùng chỉ tăng có 14%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất từ trước đến nay, đã góp phần quan trọng vào kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 3,54%.

Điều đáng nói là, mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng GDP năm 2018 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua (tăng 7,08%), nhờ cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực. Trong đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Từ kinh nghiệm này và trước diễn biến khó lường của giá cả, năm nay, Ngân hàngNhà nước chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát.

Hơn 70% doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn ngân hàng, tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp không có vốn thì làm sao góp phần tăng trưởng GDP 7% trong năm nay như mục tiêu Thủ tướng đặt ra, thưa ông?

Tôi nghĩ, cần phân tích lại tỷ lệ 70% số doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn ngân hàng, vì đây là tỷ lệ tính chung tất cả doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp mới thành lập. Vốn tín dụng chỉ nên tập trung cho các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động 4 - 5 năm, họ đã qua thử thách, sàng lọc khắc nghiệt của thị trường, có cơ hội phát triển, chứ vốn ngân hàng không nên rải mành mành cho cả những doanh nghiệp mới thành lập, vì doanh nghiệp nào mới thành lập chẳng thiếu vốn.

Vì vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay đặt ra bằng năm ngoái (14%), theo tôi là hợp lý, qua đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục