Nhiều yếu tố hỗ trợ cổ phiếu “vua”

(ĐTCK) Tín dụng tăng cao nhờ kinh tế phục hồi mạnh, định giá hấp dẫn, sự khởi sắc của thị trường bất động sản… là các yếu tố tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2025 được dự báo sẽ tăng trưởng 15%

Vĩ mô nâng đỡ lợi nhuận ngân hàng

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2024 tăng 7,09%, cho thấy sự phục hồi tốt hơn của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu vốn tăng, thể hiện ở mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng là 15,08%, cao hơn mức 13,71% của năm 2023.

Tín dụng tăng mạnh là yếu tố chính giúp lợi nhuận của nhiều nhà băng được cải thiện đáng kể. Dự kiến dẫn đầu câu lạc bộ lợi nhuận tỷ USD năm 2024 vẫn là anh cả nhóm “Big 4” - Vietcombank, với lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 43.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2023. Ba ngân hàng khác trong nhóm cũng ước đạt lợi nhuận khả quan: BIDV ước lãi trước thuế hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 12,4%; Agribank ước lãi trước thuế gần 28.000 tỷ đồng, tăng trên 8%; VietinBank có khả năng vượt mức lợi nhuận kế hoạch là 26.300 tỷ đồng (ngân hàng mẹ).

Ở khối ngân hàng tư nhân, MBBank dự kiến sẽ dẫn đầu nhóm lợi nhuận tỷ USD năm 2024, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt gần 29.000 tỷ đồng, tăng 9 - 10%; tiếp theo là Techcombank, ước vượt mức lãi trước thuế mục tiêu là 27.100 tỷ đồng. Đứng sau nhóm tỷ USD là ACB với lợi nhuận trước thuế ước đạt 22.000 tỷ đồng, HDBank là 16.000 tỷ đồng, Sacombank là 12.700 tỷ đồng, LPBank là 10.000 tỷ đồng, Nam Á Bank là 5.500 tỷ đồng…, đều đạt hoặc vượt kế hoạch năm 2024.

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%, theo chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 158/2024/QH15 ngày 12/11/2024. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ yêu cầu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu tăng ở mức 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn.

Từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao này, Ngân hàng Nhà nước vừa đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 16%, tương đương mức dư nợ tín dụng của nền kinh tế hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025, tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng so với dư nợ tín dụng cuối năm 2024 là 15,6 triệu tỷ đồng.

Theo Bộ phận Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB, kinh tế dự kiến phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2025, sức hấp thu vốn của nền kinh tế được cải thiện, do đó tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt mức 15 - 16%. Đây sẽ là câu chuyện nổi bật của nhóm ngân hàng.

Năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16,28%, lợi nhuận trước thuế tăng 5%; BIDV dự kiến dư nợ tín dụng tăng 14% và lãi trước thuế tăng 6 - 10%; HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tới 25%, đạt khoảng 20.000 tỷ đồng…

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tăng 15%, song có sự phân hoá mạnh; trong đó, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng tăng 12%, nhóm ngân hàng tư nhân năng động nhất tăng trưởng 20%, các ngân hàng mô nhỏ tăng khoảng 8%. Biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ nhờ mặt bằng lãi suất huy động ổn định, dư địa giảm lãi suất đầu ra không còn nhiều và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Những ngân hàng tư nhân mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, có tệp khách hàng có khả năng trả nợ cao… sẽ có nhiều dư địa để cải thiện NIM.

Một số mã đáng quan tâm

Kỳ vọng các ngân hàng năm 2025 sẽ giảm nợ xấu, tăng chất lượng tài sản và cải thiện biên lãi ròng.

Nhìn lại hiệu suất đầu tư của cổ phiếu ngân hàng năm 2024 cho thấy, mặc dù trải qua nhiều đợt điều chỉnh do bị khối ngoại bán ròng dai dẳng, tổng cộng gần 992 triệu đơn vị, trị giá gần 19.300 tỷ đồng, tăng 78% về số lượng và tăng 49% về giá trị so với năm 2023, song cổ phiếu ngành này vẫn ghi nhận mức tăng 23%, cao hơn đà tăng của chỉ số VN-Index (tăng 12,1%).

Theo thống kê của Vietstock Finance đối với 27 cổ phiếu ngân hàng trong năm qua, có 21 mã tăng giá, 1 mã đứng giá (KLB), 5 mã giảm giá. Trong đó, mã LPB tăng 132%, mã TCB tăng 60%, mã HDB tăng 57%; các mã CTG, MBB, STB, NAB tăng trên 30%; mã SSB giảm 20%, mã NVB giảm 15%, mã PGB giảm 10%, mã ABB giảm 8%, mã SHB giảm 1%.

Ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, có 3 câu chuyện được kỳ vọng sẽ là chủ đề chính của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2025 là kinh tế tăng trưởng cao, sự hồi phục rõ nét hơn của nhóm bất động sản (sau khi các luật và nghị quyết có hiệu lực sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc) và định giá ngành ngân hàng đang ở mức khá thấp.

“Trong đó, động lực lớn nhất là sự phục hồi của ngành bất động sản. Bất động sản phục hồi sẽ giúp các ngân hàng cải thiện tình trạng nợ xấu, tăng chất lượng tài sản và cải thiện NIM”, ông Tánh nhấn mạnh.

Cuối tháng 10/2024, báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời điểm đó, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Ngoài ra, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào cuối năm 2025 sẽ là động lực cho các nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, dẫn đầu ngân hàng. Hiện tại, Top 10 cổ phiếu vốn hoá lớn của ngành ngân hàng là VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, ACB, HDB, LPB, STB.

VCBS đánh giá, định giá P/B toàn ngành ngân hàng hiện thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình 5 năm, trong khi lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2025 dự kiến tăng trưởng khoảng 15%, nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư dài hạn các cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành.

Tương tự, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho hay, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/B 1,5 lần, tương đương mức trung vị lịch sử; mức P/E là 9,5 lần, thấp hơn mức trung vị lịch sử (11,5 lần). So với triển vọng lợi nhuận tăng trưởng vừa phải (tăng 15%), nhưng bền vững, vùng giá hiện tại khá hợp lý để đầu tư dài hạn.

Báo cáo chiến lược năm 2025 mang tên Kỷ nguyên mới của SSI Research cho biết, trong 10 cổ phiếu ưa thích năm 2025 của SSI có hai cổ phiếu ngân hàng là TCB và CTG, với giá mục tiêu là 28.700 đồng và 44.200 đồng, tăng lần lượt 14,4% và 16,9% so với thị giá cuối năm 2024.

Ông Trần Văn Tánh khuyến nghị, trong đầu tư cổ phiếu ngân hàng, nhóm thứ nhất đáng quan tâm là những ngân hàng ít chịu ảnh hưởng bởi nợ vay bất động sản và trái phiếu bất động sản như ACB, VCB; nhóm thứ hai là nhóm có triển vọng tốt khi thị trường bất động sản phục hồi gồm MB, TCB, TPB, HDB, song cũng sẽ chịu rủi ro nợ xấu kéo dài, chi phí tín dụng tăng nếu quá trình phục hồi này chậm hơn dự kiến.

Về việc VPBank và HDBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém là GPBank và DongABank, ông Tánh nói: “Sau chuyển giao, một mặt họ sẽ được hưởng cơ chế đặc biệt, thông tin chưa chính thức là có thể được nâng room ngoại lên 49%, tuy nhiên đây cũng là một thách thức đối với hai ngân hàng này”.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục