Tin vui đối với kinh tế thế giới, nhất là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa hạ lãi suất. Theo bà, Fed hạ lãi suất tác động thế nào đến nền kinh tế nước ta?
Ngày 19/9/2024, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, Fed cắt giảm lãi suất với mức giảm 50 điểm cơ bản. Chưa đầy 2 tháng sau, ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ kết thúc, Fed lại tiếp tục hạ lãi suất lần thứ 2, với 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành của Mỹ xuống còn 4,50 - 4,75%.
Có thể nói, đây là 2 tin vui liên tiếp đối với kinh tế thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, với 98,4 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, chiếm trên 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ thúc đẩy hoạt động ngoại thương giữa 2 quốc gia lên tầm cao mới một khi ông ấy tái thực hiện các chính sách kinh tế đã từng thực hiện ở nhiệm kỳ trước.
Việc Fed hạ lãi suất có thể mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và GDP tăng trưởng tốt hơn, song sẽ có độ trễ nhất định. Ngoài ra, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu và các yếu tố khác như lạm phát, chính sách thương mại và các yếu tố nội tại của nền kinh tế. Năm 2024 được kỳ vọng là một năm tăng trưởng ổn định, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Sang năm 2025, nếu Fed tiếp tục lộ trình chính sách nới lỏng tiền tệ cùng các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt.
Nhiều chuyên gia và định chế tài chính quốc tế dự báo, khả năng Fed sẽ cắt giảm 200 điểm lãi suất cơ bản trước khi dừng lại. Bà có thể phân tích rõ hơn tác động của Fed cắt giảm lãi suất đối với kinh tế Việt Nam?
Có thể nói, Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Động thái này được ví như “làn gió mới” thổi vào nền kinh tế thế giới, giúp lan tỏa hiệu ứng tích cực đối với kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với Việt Nam, việc hạ lãi suất của Fed tạo tác động tích cực đến tỷ giá, mặt bằng lãi suất, xuất nhập khẩu… và tác động tới tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ nhất, về tỷ giá, việc Fed hạ lãi suất giúp giảm bớt chênh lệch lãi suất USD/VND, “đồng bạc xanh” có thể suy yếu so với VND, qua đó giảm bớt áp lực đối với tỷ giá, giúp ổn định thị trường ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Tỷ giá ổn định góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tiền đề hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước.
Thứ hai, về lãi suất, việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ góp phần giảm bớt áp lực đối với việc tăng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay USD. Điều này là cần thiết trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất của Việt Nam đang gia tăng do lãi suất đầu vào tăng. Vì vậy, động thái vừa rồi của Fed góp phần giúp Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay.
Thứ ba, về hoạt động xuất khẩu, lãi suất USD giảm sẽ kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng của Mỹ và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, qua đó kích cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, với tỷ giá VND/USD thuận lợi, hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang Mỹ, châu Âu - thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cũng như các thị trường khác trên thế giới.
Còn tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài thì sao, thưa bà?
Chắc chắn đây không phải là lần cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, mà Fed sẽ còn nhiều lần nữa để đưa mặt bằng lãi suất điều hành về thời điểm trước đại dịch Covid-19. Lãi suất USD giảm sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, cũng như tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, do dòng vốn đầu tư nước ngoài tìm đến các quốc gia giàu tiềm năng như Việt Nam để tìm kiếm lợi suất cao hơn. Việc ông Donald Trump “trở lại ngôi vương”, với chính sách không để nền kinh tế quá phụ thuộc vào một vài nước nhằm giảm thiểu rủi ro, nên những doanh nghiệp Mỹ và nhiều nước khác đang đầu tư quá nhiều vào quốc gia nào đó sẽ chuyển hướng đầu tư sang nước khác để tránh bị đánh thuế khi xuất khẩu vào Mỹ. Làn sóng chuyển hướng đầu tư đã từng diễn ra khi ông Donald Trump làm Tổng thống cách đây 4 năm. Trong khi đó, Việt Nam luôn được xem là địa điểm đầu tư lý tưởng đối với cả dòng vốn trực tiếp và gián tiếp.
Nợ nước ngoài quốc gia của Việt Nam hiện vào khoảng 33-34% GDP và vẫn phải tiếp tục gia tăng vay nợ để thực hiện các công trình, dự án lớn, nhất là dự án trọng điểm quốc gia. Những doanh nghiệp trong nước đã đủ lớn, có đủ uy tín sẽ gia tăng vay nước ngoài, thay vì vay trong nước. Vì thế, khi lãi suất USD giảm làm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ của Chính phủ và doanh nghiệp giảm đáng kể, góp phần kích cầu đầu tư, giảm rủi ro nợ vay trong thời gian tới.
Trái với xu hướng cắt giảm lãi suất trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái mới. Bà có bình luận gì?
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay của Việt Nam đang ở mức thấp. Từ cuối quý II/2024, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động nhằm huy động vốn để cho doanh nghiệp vay đầu tư sản xuất, kinh doanh khi nền kinh tế đang hồi phục. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giúp tín dụng tăng trưởng khá tốt.
Lãi suất cho vay đã giảm hơn 1% so với cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay bình quân hiện nay đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm - thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Về tín dụng chính sách, đến hết quý III/2024, tổng vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 90.233 tỷ đồng, với hơn 1,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 357.263 tỷ đồng, tăng 25.339 tỷ đồng so với năm 2023, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước không giảm lãi suất theo xu hướng chung là phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta, thưa bà?
Tôi cho rằng, các công cụ của chính sách tiền tệ được sử dụng linh hoạt, hài hòa theo tín hiệu thị trường nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống ngân hàng và hỗ trợ khôi phục kinh tế. Việc can thiệp cắt giảm lãi suất tối đa sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng xấu đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Hơn nữa, việc giảm lãi suất cũng không thúc đẩy làm tăng tiêu dùng trong dân cư vì đa phần người dân Việt Nam vẫn tiết kiệm (trong 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% - thấp hơn rất nhiều so với trước đại dịch Covid-19)
Chính sách tiền tệ đang được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.