Tọa đàm diễn ra với hai phiên chuyên đề: “Từ bình thường mới đến nhu cầu mới” và “Từ nhu cầu mới đến xu thế mới”, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp. Sự kiện do Tập đoàn FLC và Vnexpress phối hợp tổ chức.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng nhìn lại bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ Covid-19, nhưng thị trường bất động sản vẫn cho thấy sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, là kênh đầu tư hút vốn tốt trong giai đoạn diễn ra đại dịch. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đã có sự ứng phó linh hoạt với bối cảnh mới, từ đó nỗ lực vượt qua các khó khăn về dịch bệnh.
Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thực tiễn cho thấy, sau dịch thị trường thường bật tăng mạnh, và thị trường bất động sản thường là lĩnh vực đầu tiên cho thấy điều này.
"Hiện nay, các tín hiệu về đà phục hồi đã hiện ra ngày càng rõ nét, tâm thế phục hồi cũng ngày càng được các thành viên thị trường cho thấy điều đó. Điều này không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mà đó là xu thế chung của thế giới", ông Thiên nói.
Các chuyên gia đều có chung cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, muốn đoán biết khả năng hồi phục của thị trường, có thể phân tích từ việc nền kinh tế sẽ phục hồi ra sao trong thời gian tới. Vẫn có nhiều điểm sáng như tăng độ phủ tiêm vắc-xin, đẩy mạnh đầu tư công, đây là những tiền đề quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường địa ốc.
Ông Thành cho biết thêm, nhiều tổ chức uy tín quốc tế dự báo năm 2022, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%, cho thấy kỳ vọng về một sự bứt phá của thị trường trong năm tới mà giai đoạn những tháng cuối năm nay là nền tảng, là quá trình hình thành và tích lũy.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Thành cho biết, ngay cả với trường hợp của Evergrande (Trung Quốc), dù đối mặt với nguy cơ đổ vỡ nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn xuống tiền “bắt đáy”, cho thấy tâm lý kỳ vọng và tâm lý sẵn sàng đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư cả khi thị trường đang suy thoái. Trong khi ở Việt Nam, thị trường vẫn cho thấy nhiều điểm sáng về thanh khoản, về nhu cầu với các sản phẩm bất động sản thì điều này càng có cơ sở cho đà hồi phục mạnh của thị trường.
Đánh giá về triển vọng thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hoàn toàn có thể lạc quan về diễn biến thị trường bất động sản thời gian tới.
Trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam luôn nhận được cái nhìn “ngưỡng mộ” của các nhà đầu tư khu vực bởi tính thanh khoản rất cao. Một dự án nhà ở khi ra mắt thị trường ở Việt Nam chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi mức trung bình với các quốc gia trong khu vực là 5 năm.
Ông Đính cũng tự tin khi nói về lực cầu của thị trường. Theo ông Đính, sau mỗi đợt dịch bùng phát thì thị trường lại bật tăng mạnh, đặc biệt bởi sức mua mạnh mẽ từ nhóm các nhà đầu tư F0.
Theo nghiên cứu thị trường của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại 12 khu vực thị trường trong cả nước, tín hiệu về sự khôi phục là rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều khu vực vẫn duy trì sức nóng suốt thời gian bùng phát dịch bệnh.
Về mặt thể chế, theo các chuyên gia, đã có nhiều cải thiện về thể chế, chính sách thời gian qua, và sẽ tiếp tục có nhiều sự cởi trói trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây Dựng cho rằng, dù vẫn còn những tồn tại về mặt pháp lý, nhưng đang có nhiều Luật, nghị định sẽ được sửa đổi, bổ sung ngay trong thời gian tới, điều này sẽ tạo nên sự khơi thông cho thị trường.
Đặc biệt, Luật Đầu tư, Luật Đất đai đang được chuẩn bị sửa đổi vào các kỳ họp tới, sẽ giúp tháo gỡ nhiều ách tắc tồn tại trong thời gian qua, tạo nên sự thông thoáng cho việc công nhận dự án đầu tư.