Nhiều tiến triển trong cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Những bước tiến lớn về cải cách thể chế được cụ thể hóa từ việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những kết quả quan trọng nhất trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) cuối kỳ 2018 với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” vừa diễn ra, khi đánh giá về những kết quả đáng ghi nhận về cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận định, đây là cuộc cách mạng lớn trong công cuộc cải cách thể chế từ trước tới nay, nhất là trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

“Những nỗ lực của Chính phủ cùng với sự vào cuộc rốt ráo của các bộ ngành đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, đó là các bộ ngành đã đưa ra chương trình cắt giảm trên 50% điều kiện kinh doanh tính đến thời điểm 31/10 vừa qua.

Dù đây mới chỉ là cắt giảm trên văn văn bản, song có thể coi là cuộc cách mạng lớn chưa từng có trong mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Lộc nhận định và cho rằng, nếu quyết tâm này được thực thi một cách đầy đủ và nhanh chóng thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến lớn trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh. 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp tại Diễn đàn, trong các lĩnh vực của Nghị quyết 19, thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai lĩnh vực được ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất. Ngược lại, các lĩnh vực như phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá chuyển biến chậm hơn.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, song, điều tra năm 2017 cho thấy, vẫn có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết, họ gặp khó khăn khi xin giấy phép. Thủ tục đăng ký kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, hiện có 13% doanh nghiệp thực hiện trực tuyến.

Đáng chú ý, việc nộp thuế của doanh nghiệp đạt thuận lợi hơn rất nhiều nhờ dụng công nghệ thông tin, nhưng tình trạng quy định pháp luật thuế gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế còn tồn tại.

Thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã bước đầu liên thông với thủ tục phòng cháy chữa cháy, nhưng mức độ liên thông cần được cải thiện. Thủ tục đăng ký bất động sản mặc dù có tiến bộ, nhưng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết, phối hợp với thủ tục về xây dựng, công chứng, nộp thuế. Việc triển khai thủ tục trực tuyến vẫn chậm và có nhiều trục trặc tại các địa phương.

Theo ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, điều này cho thấy đã có nhiều tiến triển trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, đi đúng quỹ đạo và bước đầu đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Tuy nhiên, để hiện thực hóa những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, còn phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thực thi của các cơ quan thực hiện”, ông Tomaso nhận xét.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), Chủ tịch Michael Kelly cho rằng, dù đã có những chuyển biến khả quan, vẫn còn những rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài khi tồn tại tình trạng thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách.

“Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép. AmCham khuyến cáo rằng, Chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn về bảo vệ nhà đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực và hồi tố của các điều luật, cũng như quy định mới đối với các dự án hiện nay”, ông Kelly khuyến nghị.

Đại diện Amcham cũng cho rằng, việc tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn thông qua cắt giảm chi phí và rủi ro kinh doanh sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp FDI mà cho chính cho các doanh nghiệp nội địa Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh - khởi nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

Đặc biệt quan tâm tới những bước tiến khả quan trong việc phê chuẩn hiệp định EVFTA, góp phần tạo nền tảng thuận lợi mở rộng quan hệ hợp tác thương mại tự do giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Eurocham cho rằng, thách thức lớn đang đặt ra một khi Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực chính là đảm bảo việc triển khai trên thực tế.

Cũng như CPTPP, Hiệp định EVFTA sẽ tạo những áp lực lớn trong việc cải cách thể chế và đây là những điều kiện tiên quyết để các hiệp định thế hệ mới này có thể được hiện thực hóa và mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam bứt phá.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục