Tại cuộc họp báo chuyên đề công bố về kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Tài chính tổ chức đầu tuần này, ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp đã thuật lại câu hỏi từ lãnh đạo một doanh nghiệp: “Sao không xử ông khác mà lại xử em?”.
Câu hỏi được đặt ra khi doanh nghiệp bị xử phạt 200 triệu đồng do vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán hậu cổ phần hóa, trong khi nhiều doanh nghiệp khác cũng vi phạm tương tự lại không hề hấn gì.
Bức xúc trên của doanh nghiệp được ông Tiến nêu ra trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn gia tăng.
Theo Bộ Tài chính, vào giữa tháng 8/2017, sau khi công khai danh sách 747 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết thì qua rà soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết quý II/2019, danh sách này mới được rút ngắn 125 cái tên. Hiện vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định này.
Ðáng chú ý, đến nay, Bộ Tài chính đã bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết. Bởi vậy, hiện tại, số lượng doanh nghiệp phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định tăng lên 780.
Ðể chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong xử lý các doanh nghiệp vi phạm, ông Tiến cho hay, Bộ Tài chính đang và sắp triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, trên cơ sở rà soát kỹ các doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu lên sàn, Bộ Tài chính sẽ trình danh sách này lên Chính phủ để đề xuất công khai trong tháng 8 này.
Không chỉ đôn đốc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước thúc đẩy doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn như trước, tới đây sẽ chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan này, cũng như của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố.
Trên thực tế, một khi các tổ chức này sát sao trong quyết liệt chỉ đạo, gắn trách nhiệm rõ ràng của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, thì việc tuân thủ quy định đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường là tốt.
Bộ Tài chính sẽ tổ chức 2 hội nghị ở hai miền để vừa nhắc lỗi chậm lên sàn của hơn 700 doanh nghiệp, vừa phổ biến quy định nhằm nói rõ về nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán hậu cổ phần hóa, cũng như giải đáp hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Sau bước đi trên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ có chuyển biến mới về xử lý các doanh nghiệp vi phạm đưa cổ phiếu lên sàn, vì không còn cơ sở để họ nại ra rằng không nắm được quy định, không hiểu quy trình đưa cổ phiếu lên sàn.
Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt theo hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh ấm ức phát sinh từ việc doanh nghiệp này bị phạt, còn doanh nghiệp khác cũng vi phạm thì chưa bị xử phạt. Ðến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt gần 20 doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn.
Doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn làm ảnh hưởng tới tính thanh khoản của cổ phiếu, quyền lợi của cổ đông, cũng như kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, cần quyết tâm cao trong triển khai đồng bộ các giải pháp, để một chủ trương lớn của Chính phủ không tiếp tục bị rơi vào tình trạng tuân thủ không nghiêm, bê trễ như hiện tại.