Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 20,5 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 789 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 14,5% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu cũng giảm 11,6% so với cùng kỳ, đạt trung bình 38,4 USD/tấn.
Các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Bangladesh... đều giảm mua xi măng, clinker từ Việt Nam, dẫn đến xuất khẩu nhóm hàng này từ đầu năm tới nay liên tục giảm.
8 tháng qua, xuất khẩu xi măng, clinker sang Philippines giảm 1,8% về lượng, giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ, đạt trên 5,35 triệu tấn, tương đương 214,3 triệu USD. Đây là thị trường lớn nhất tiêu thụ xi măng clinker của Việt Nam, chiếm tới 26,1% trong tổng lượng và chiếm 27,2% trong tổng trị giá xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước. Giá trung bình 40 USD/tấn.
Xi măng clinker xuất khẩu sang Bangladesh, thị trường lớn thứ 2 đạt 4,18 triệu tấn, trị giá 134 triệu USD, giá trung bình 32 USD/tấn.
So với cùng kỳ tăng 5,2% về lượng nhưng giảm 11,4% về trị giá và giảm 15,8% về giá. Xuất khẩu sang Bangladesh chiếm 20,4% trong tổng lượng và chiếm 17% trong tổng trị giá.
Xuất khẩu thị trường Đài Loan chiếm 4,8% trong tổng lượng và chiếm 4,5% trong tổng trị giá, đạt 994.735 tấn, tương đương 35,55 triệu USD, giá 35,7 USD/tấn, giảm lần lượt 17,2% về lượng, giảm 24,5% về trị giá và giảm 8,9% về giá xuất khẩu.
"Sốc" nhất là sự sụt giảm nhập khẩu của thị trường tỷ dân Trung Quốc. 8 tháng qua, thị trường này mới nhập 44,6 nghìn tấn xi măng, clinker từ Việt Nam, trị giá 1,57 triệu USD, giảm 93,8% về lượng và giảm 94,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá FOB xuất khẩu trung bình với clinker và xi măng năm 2022 lần lượt là 46-48 USD/tấn và 51-53USD/tấn thì ở thời điểm tháng 5/2024 đã tụt xuống chỉ còn 31-32 USD/tấn đối với clinker và 38-48 USD/tấn đối với xi măng.
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, từ yêu cầu của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan, mới đây, Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có 7 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá. Ngoài 7 doanh nghiệp này, còn có các doanh nghiệp khác cũng xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang thị trường này.
Thời kỳ điều tra bán phá giá: Từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/6/2024; Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam: 16,99%.
Ngành xi măng Việt Nam hiện có với quy mô công suất vượt 120 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất vượt 130-140 triệu tấn/năm (nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia) đang ở trong thế khó chưa từng thấy, khi cung lớn mà nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu đều thu hẹp.
Năm ngoái, ngành xi măng xuất khẩu hơn 31,3 triệu tấn clinker và xi măng, mang về hơn 1,32 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng, giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là năm thứ 2, xuất khẩu sụt giảm mạnh, chỉ quanh mức 31-32 triệu tấn. So với kỷ lục xuất khẩu gần 46 triệu tấn của năm 2022, ngành xi măng chưa biết khi nào quay trở lại ngưỡng này.
Với tình hình thị trường hiện tại, nhiều chỉ dấu đang cho thấy, xuất khẩu trong năm 2024 sẽ giảm tiếp so với năm 2023.
Bảng thống kê số liệu xuất khẩu xi măng, clinker 8 tháng đầu năm 2024. |