Nhiều “sạn” tại dự án đường nối hai tuyến cao tốc phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Có khá nhiều sai sót trong công tác chuẩn bị đầu tư, sử dụng vốn và lựa chọn nhà thầu xây lắp được ghi nhận tại Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thi công Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình Ảnh: Văn Thanh Thi công Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình Ảnh: Văn Thanh

Bất cập bố trí vốn

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào đầu tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Kết luận kiểm tra số 3420/KL - BKHĐT về công tác lập kế hoạch và thực hiện đầu tư Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đây là công trình do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2011, được chia thành 2 dự án thành phần, đầu tư phân kỳ theo 2 giai đoạn.

Dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, với tổng số vốn đã bố trí là 3.376 tỷ đồng, gồm 1.397 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (từ nguồn 15.000 tỷ đồng dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và 1.979 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội).

Đến thời điểm Đoàn kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc (ngày 26/9/2022), giai đoạn I của Dự án đã hoàn thành năm 2019; giai đoạn II của Dự án được khởi công năm 2021, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Điều đáng nói là, trong quá trình thực hiện giai đoạn I (từ năm 2011 - 2019), khi chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách Trung ương, Dự án đã được thực hiện từ vốn ứng trước của địa phương.

Do tính chất phức tạp về phương thức triển khai và nguồn vốn nói trên có thể là nguyên nhân khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải mất đúng 6 tháng để ban hành kết luận kiểm tra, trong khi thời gian kiểm tra hiện trường dựa trên báo cáo của các chủ đầu tư chỉ mất vỏn vẹn 5 ngày.

Được biết, sai sót đầu tiên tại Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Đoàn kiểm tra đề cập là việc bố trí, sử dụng vốn triển khai trong giai đoạn I.

Theo Kết luận số 3420, trong giai đoạn 2011 - 2015, Dự án được thực hiện từ nguồn vốn ứng trước từ địa phương và nhà thầu theo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 25/5/2009: “Đồng ý về chủ trương, UBND 2 tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam lập dự án đầu tư tuyến đường bộ nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; giao UBND 2 tỉnh trên làm chủ đầu tư các tiểu dự án trên địa bàn tỉnh mình, lựa chọn nhà thầu có năng lực tài chính và kinh nghiệm để ứng trước vốn thực hiện dự án”.

Trong giai đoạn này, Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 chưa có quy định cụ thể về việc ứng trước và các điều kiện liên quan. Để khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản: Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 quy định: "Không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả” và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 quy định: “Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn, làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Tuy nhiên, sau khi 2 chỉ thị này được ban hành, Dự án vẫn được thực hiện từ nguồn vốn ứng trước của địa phương.

Tại Kết luận số 3420, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc các chủ đầu tư ứng trước ngân sách địa phương và ứng vốn từ nhà thầu để thực hiện dự án sau khi các chỉ thị trên có hiệu lực là chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các bên liên quan vẫn chưa có báo cáo về việc phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản từ việc ứng trước và chậm hoàn trả.

Sót nút cổ chai

Một “hạt sạn” khác được Đoàn kiểm tra chỉ ra là công tác lựa chọn nhà thầu tại cả hai dự án thành phần 1 và 2.

Cụ thể, tại Dự án thành phần 1, do Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư, Đoàn kiểm tra phát hiện sai sót trong hồ sơ yêu cầu gói thầu Tổng thầu thiết kế - thi công có giá gói thầu 2.027,387 tỷ đồng (thuộc kế hoạch đấu thầu tại Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 5/8/2011).

Theo đó, yêu cầu về quy mô hợp đồng tương tự mà chủ đầu tư đề ra là 700 tỷ đồng là chưa phù hợp theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2010/TT-BKHĐT ngày 1/2/2010 và các thông tư khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nếu tính đúng thì yêu cầu về quy mô hợp đồng tương tự của gói thầu này phải là 1.419,171 tỷ đồng).

Tại Gói thầu số 03 - Thi công xây dựng công trình, Dự án thành phần 2 do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư, Đoàn kiểm tra phát hiện Bảo lãnh dự thầu số 0400BG2100257 ngày 26/11/2021 và Bản sửa đổi lần 1 ngày 3/12/2021 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Ninh Bình, do Phó giám đốc Phạm Khắc Tiệp ký không đúng quy định tại Điều 16, Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Ngân hàng Nhà nước về thẩm quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh do không có ủy quyền của người đại diện hợp pháp của ngân hàng.

Sai sót tương tự cũng xuất hiện tại Bản cam kết cấp tín dụng số 628/NHCTNB của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Ninh Bình ngày 26/11/2021, do Phó giám đốc Phạm Khắc Tiệp ký.

Mặc dù Sở GTVT Hà Nam đã cung cấp giấy ủy quyền, nhưng giấy ủy quyền không được thể hiện trong hồ sơ bảo lãnh dự thầu, nên việc Tổ chuyên gia - bên mời thầu đánh giá Kết quả kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đạt yêu cầu là chưa chính xác.

Cũng tại Gói thầu số 03, Đoàn kiểm tra phát hiện nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện với gói thầu này là chưa phù hợp với quy định tại Mẫu số 14, Mục A, Chương IV, Mẫu số 02, Thông tư số 03/2015/TT- BKHĐT.

Điều đáng nói là có tới 9/14 nhân sự kê khai để thực hiện Gói thầu số 03 - thi công xây dựng công trình, Dự án thành phần 2 do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư đã tham gia Gói thầu số 03 - Thi công xây dựng công trình Dự án thành phần 1 do Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, mặc dù 2 dự án do 2 chủ đầu tư khác nhau, được triển khai trên 2 địa bàn khác nhau, nhưng đơn vị được giao thầu lại có cùng một cái tên là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Trong quá trình thi công, do vốn bố trí không đủ, nên tiến độ triển khai cả 2 dự án bị vỡ rất sâu, trong đó, Dự án thành phần 1 - gói thầu xây lắp chính và duy nhất phải gia hạn thêm 46 tháng. Tại Dự án thành phần 2, Sở GTVT Hà Nam cũng phải chấp nhận gia hạn tiến độ thêm 25 tháng, với nguyên nhân chủ yếu do công tác bố trí vốn, chậm giải phóng mặt bằng, điều chỉnh một số giải pháp thiết kế.

Liên quan đến hiệu quả đầu tư Dự án, Đoàn kiểm tra ghi nhận việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã tạo giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Hồng, thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh cũng như của khu vực.

Dự án được triển khai, hoàn thành đã góp phần kết nối giao thông giữa hai tuyến đường cao tốc, tăng khả năng sử dụng khai thác hai tuyến đường cao tốc, phân bố lại lưu lượng xe các tuyến từ phía Bắc xuống phía Nam sông Hồng, giảm thời gian và chi phí hoạt động của xe, giảm thời gian đi lại cho hành khách.

So sánh giữa lưu lượng xe thiết kế giai đoạn I (với đường cấp III tối thiểu là 3.000 xe con quy đổi/ngày đêm), theo số liệu đếm xe thực tế khai thác do đơn vị quản lý điều tra tháng 7/2022 (đoạn qua tỉnh Hà Nam) thì tổng lưu lượng xe quy đổi về xe con tiêu chuẩn là 22.763 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt năng lực thông hành thiết kế gấp hơn 7 lần; lưu lượng xe trên tuyến tại thời điểm tháng 8/2022 (đoạn qua tỉnh Hưng Yên) đạt trên 25.000 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt năng lực thông hành thiết kế gấp hơn 8 lần (trong khi yêu cầu đối với đường cấp I là lớn hơn 15.000 xe con quy đổi/ngày đêm).

Điều này minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả đầu tư của Dự án giai đoạn I và nhu cầu bức thiết đầu tư xây dựng giai đoạn II để hoàn thiện Dự án theo quy mô hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra ghi nhận việc trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1 đoạn tuyến (khoảng 1 km) thuộc Dự án BOT cầu Thái Hà có quy mô 2 làn xe (bề rộng 11-12 m), nối giữa hai dự án thành phần đường nối hai cao tốc. Việc không đầu tư đồng bộ các dự án/đoạn tuyến trên sẽ gây tình trạng thắt cổ chai, giảm hiệu quả đầu tư toàn tuyến.

Tại Kết luận số 3420, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ GTVT rà soát, đánh giá lại việc ứng trước và hoàn trả vốn ứng trước đảm bảo đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 28/6/2013 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2014, đảm bảo không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản và chịu trách nhiệm giải trình, xử lý triệt để các vấn đề phát sinh (nếu có).

Bộ GTVT cũng được kiến nghị sớm xem xét, đề xuất giải pháp xử lý đoạn tuyến thắt cổ chai (khoảng 1 km) thuộc phạm vi Dự án BOT cầu Thái Hà và tính toán tới việc nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến thắt cổ chai này cho phù hợp với quy mô Dự án, đảm bảo việc khai thác được đồng bộ, hiệu quả.

Đối với các Sở GTVT Hưng Yên, Hà Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình lựa chọn nhà thầu và nghiêm túc rút kinh nghiệm, không tiếp tục để xảy ra thiếu sót trong thời gian tới.

“Hai đơn vị này cần chú trọng hơn công tác giám sát đánh giá đầu tư và tăng cường tập huấn, đào tạo chuyên môn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho các cán bộ trong Sở”, Kết luận 3420 nêu rõ.

Dự án thành phần 1 - xây dựng đoạn đường qua địa phận tỉnh Hưng Yên (Km0 - Km24+930,9) dài 23,83 km, do Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 2.129 tỷ đồng. Trong giai đoạn I, đầu tư 2 làn xe với chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m, tổng mức đầu tư 1.077 tỷ đồng; trong giai đoạn II, đầu tư mở rộng thành 4 làn xe, chiều rộng mặt nền đường 21,5 m, chiều rộng mặt đường 22,5 m với tổng mức đầu tư 1.051 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 - xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam (Km31+245 – Km47+543) dài 15,6 km, do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 1.626 tỷ đồng; trong giai đoạn I đầu tư 2 làn xe với chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m, tổng mức đầu tư 923,18 tỷ đồng; giai đoạn II đầu tư mở rộng thành 4 làn xe, chiều rộng mặt nền đường 21,5 m, chiều rộng mặt đường 22,5 m với tổng mức đầu tư 702,82 tỷ đồng.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục