Nhiều quỹ do VFM quản lý hiệu quả kém tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm tới nay, nhiều quỹ đầu tư do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý không đạt hiệu suất kinh doanh tích cực.
Ảnh Shuttertock Ảnh Shuttertock

Được thành lập năm 2003, VFM hiện dẫn đầu ngành quản lý quỹ nội địa với tổng giá trị tài sản quản lý lớn nhất (hơn 9.000 tỷ đồng), quản lý số lượng quỹ đầu tư nhiều nhất trên thị trường (7 quỹ), bao gồm Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam – VFMVF1 (VF1); Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam - VFMVF4 (VF4), Quỹ đầu tư định hướng bảo toàn vốn Việt Nam – VFMVFC (VFC), Quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam – VFMVSF (VSF), Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam - VFMVFB (VFB), Quỹ ETF VFMVN30, Quỹ ETF VFMVN DIAMOND.

Luỹ kế từ đầu năm tới ngày 21/10/2020, đa phần các quỹ của VFM có hiệu suất đầu tư không tích cực.

Xét về nhóm quỹ đầu tư sinh lợi cao, tập trung vào sản phẩm cổ phiếu bao gồm quỹ VF1 (80% cổ phiếu – 20% trái phiếu), VF4 (100% cổ phiếu bluechips), hiệu suất đầu tư luỹ kế từ đầu năm tới nay đạt 0,4% và -3,2%. Xét 1 năm qua, cả hai quỹ này đều lỗ với VF1 là -1,3% và VF4 -6%.

Nhóm quỹ đầu tư ổn định, Quỹ cân bằng VFC (75% trái phiếu – 25% cổ phiếu) còn có kết quả tiêu cực hơn khi luỹ kế từ đầu năm tới nay tăng trưởng âm 7%.

Đáng chú ý, một số quỹ của VFM có biến động giá trị tài sản ròng (NAV) rất mạnh. Chẳng hạn, theo báo cáo của Ngân hàng giám sát Standard Chartered về VF1, trong quý III/2020, có hai thời điểm giá trị tài sản ròng của Quỹ giảm hơn 50%.

Theo Thông tư 183/2011/TT-BTC, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày giá trị tài sản ròng của quỹ giảm 50% so với mức vốn huy động ban đầu, hoặc giảm xuống thấp hơn 30 tỷ đồng, công ty quản lý quỹ phải báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và đề xuất phương án khắc phục.

Trường hợp giá trị tài sản ròng của Quỹ giảm xuống thấp hơn 10 tỷ đồng trong 6 tháng liên tục, thì phải thanh lý tài sản để giải thể quỹ theo quy định hiện hành.

Ngày 28/7/2020 và 15/9/2020, Công ty Quản lỹ quỹ VFM đã báo cáo về việc giá trị tài sản ròng của Quỹ VF1 giảm thấp hơn 50% so với mức vốn điều lệ ban đầu.

Ngày 28/7/2020 và ngày 15/9/2020, Công ty Quản lỹ quỹ VFM đã gửi công văn để báo cáo về việc giá trị tài sản ròng của Quỹ VF1 giảm xuống thấp hơn 50% so với mức vốn điều lệ ban đầu và đề xuất phương án khắc phục.

Trong khi đó, với Quỹ VF4, theo báo cáo tài chính quý III/2020, tính đến kỳ báo cáo, thay đổi giá trị tài sản ròng của Quỹ là -37,1% so với giá trị tài sản ròng của Quỹ kỳ báo cáo ngày 30/9/2019. Quy mô Quỹ tại thời điểm báo cáo (ngày 30/9/2020) đạt hơn 454,5 tỷ đồng.

Tương tự, trong giai đoạn 30/9/2019 – 30/9/2020, Quỹ VFMVFC có giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ giảm 6,98% do ảnh hưởng giảm từ thị trường. Bên cạnh đó, tổng giá trị tài sản của Quỹ giảm 68% trong kỳ do có sự rút vốn từ nhà đầu tư.

Tính tới ngày 30/9/2020, danh mục chứng khoán của Quỹ chỉ chiếm 0,11% cơ cấu tài sản, so với mức 52,31% vào ngày 30/9/2019.

Ở chiều ngược lại, tính tới 30/9/2020, giá trị tài sản ròng của Quỹ VSF là hơn 1.889 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 54,7 tỷ đồng ngày 30/9/2019, tăng 3.353,7% nhờ vào nguồn vốn mới từ nhà đầu tư. Danh mục chứng khoán chiếm 94,68% cơ cấu tài sản Quỹ.

Tình hình ở hai quỹ ETF, bao gồm Quỹ ETF VFMVN30 và Quỹ ETF VFMVN DIAMOND có phần tích cực hơn. Trong đó, Quỹ ETF VFMVN DIAMOND mới được thành lập vào tháng 4/2020.

Tính tới ngày 30/9/2020, giá trị tài sản ròng của VFMVN30 đạt 6.068,9 tỷ đồng, giảm 6,47% so với mức 6.488,6 tỷ đồng ngày 30/9/2019.

Trong khi đó, Quỹ ETF VFMVN DIAMOND là quỹ đang có hiệu quả hoạt động tích cực bậc nhất trong các quỹ của VFM. NAV tính tới ngày 30/9/2020 đạt 2.244,8 tỷ đồng, so với mức 1.362,5 tỷ đồng ngày 30/6/2020.

VFM cho biết, đối với dòng tiền chảy vào các quỹ ETF của VFM trong thời gian qua, có hai xu thế ngược nhau.

Nếu như Quỹ ETF VFMVN30 bị rút ròng khoảng hơn 300 tỷ đồng thì Quỹ ETF VFMVN DIAMOND huy động được hơn 2.000 tỷ đồng. Tính ra, tổng số huy động được trong năm 2020 tới thời điểm hiện nay được khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.

Nhận định về dòng tiền chảy vào các quỹ, VFM cho rằng, trong khi nhiều nước vẫn phải căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 thì Việt Nam đã giải quyết tốt việc này, kinh tế dần phục hồi và mới đây, MSCI dự tính Việt Nam có thể được tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số MSCI thế giới từ 15% lên 28%.

Dòng tiền ngoại sẽ chảy vào thị trường Việt Nam, trong đó có qua kênh ETF. Do đó, VFM dự báo thời gian tới dòng vốn vào ETF của VFM sẽ tiếp tục tích cực.

Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục