Nhiều quốc gia châu Á bên bờ vực vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nền kinh tế thu nhập trung bình và thấp ở châu Á đang đứng trước bờ vực vỡ nợ chính phủ.
USD tăng giá mạnh khiến gánh nặng nợ vay của nhiều quốc gia châu Á thêm nặng nề. USD tăng giá mạnh khiến gánh nặng nợ vay của nhiều quốc gia châu Á thêm nặng nề.

Sri Lanka là quốc gia châu Á đầu tiên rơi vào vỡ nợ trong xu hướng suy thoái kinh tế thế giới hiện tại, nhưng nhiều khả năng sẽ không phải là nước cuối cùng. Giá nhiên liệu tăng chóng mặt đã đẩy nhiều nền kinh tế vào khủng hoảng nghiêm trọng và đồng USD mạnh lên khiến việc trả nợ của nhiều quốc gia nên khó khăn hơn.

Khắp châu Á, lượng dự trữ ngoại hối của các chính phủ đang sụt giảm, đồng nội tệ yếu dần. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ít nhất 1/3 các nền kinh tế mới nổi và 60 nước kém phát triển nhất tại châu Á, châu Phi, Nam Mỹ đang đối mặt với “khủng hoảng nợ” như Sri Lanka.

Bangladesh cũng đang xuất hiện các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Giữa năm nay, dự trữ ngoại hối của nước này giảm xuống 38,91 tỷ USD, chỉ còn đủ cho 5 tháng nhập khẩu. Vào tháng 7, Bangladesh đã phải tìm đến sự trợ giúp của IMF để giải quyết khó khăn trong thanh toán do thâm hụt tài khoản vãng lai. May mắn thay, nợ nước ngoài của Bangladesh tương đối thấp, ở mức 93,2 tỷ USD vào tháng 3/2022, tương đương 29% GDP của quốc gia và nằm trong mức khuyến nghị của IMF.

Maldives, quốc gia láng giềng phía Tây Nam của Sri Lanka, cũng đang bị IMF cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ rất cao. Nền kinh tế 5 tỷ USD với nguồn dự trữ ngoại hối đạt 892 triệu USD vào năm ngoái sẽ phải chi trả khoản nợ nước ngoài 250 triệu USD vào năm nay, 362 triệu USD vào năm 2023 và 238 triệu USD vào năm 2024.

“Dự trữ ngoại hối đã giảm trong những năm gần đây do chịu tác động nặng nề của dịch Covid, khiến việc trả nợ nhiều khả năng sẽ khó khăn và tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn vào năm 2026, khi các khoản nợ trị giá 600 triệu USD cần được thanh toán”, ông Fazeel Najeeb, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Maldives nói.

Pakistan cũng đang đứng trên bờ vực vỡ nợ, do nền nông nghiệp và hàng tỷ USD cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong trận lụt nghiêm trọng vừa qua. Lạm phát ở mức cao, quanh mốc 38%, trong khi đồng rupee của Pakistan mất tới 25% giá trị kể từ đầu năm.

Ngay cả trước khi cơn lũ đến, dự trữ ngoại hối của nước này cũng đã giảm 40% so với cuối năm 2021. IMF vừa phê duyệt khoản cứu trợ 1,1 tỷ USD trong quỹ hỗ trợ mở rộng trị giá 6,6 tỷ USD sau những lời kêu cứu từ phía Pakistan. Vào tháng 6, Trung Quốc đã chấp thuận khoản vay 2,3 tỷ USD nhằm giúp Pakistan bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt.

Sri Lanka đang hy vọng Chính phủ Trung Quốc và các chủ nợ khác đồng ý với những bên cho vay khác chịu một phần thiệt hại tương ứng với các khoản vay không thể thanh toán của nước này, một hình thức coi như xoá nợ cho Sri Lanka. Ước tính, tổng khoản vay mà Trung Quốc cung cấp cho nước này giai đoạn từ năm 2001 - 2021 vào khoảng 9,95 tỷ USD.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không đồng ý với đề xuất này, bởi nếu Trung Quốc chấp nhận xóa nợ một phần cho Sri Lanka thì các ngân hàng chính sách của Trung Quốc sẽ chịu áp lực phải đưa ra những hỗ trợ tương tự cho các quốc gia khác.

“Với việc nhiều nước đang trong khủng hoảng nợ, Bắc Kinh buộc phải có lập trường cứng rắn hơn”, một chuyên gia tài chính tại London, Anh cho biết.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục