Ngay khi trở lại sau phiên nghỉ giao dịch đầu tuần, phố Wall đã chịu tác động tiêu cực từ kết quả kinh doanh thất vọng của Walmart. Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự kiến và doanh số trực tuyến sụt giảm trong thời gian nghỉ lễ khiến cổ phiếu này lao dốc tới 10,2%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/1988. Đà lao dốc của cổ phiếu Walmart kéo Dow Jones giảm mạnh theo, mất tới hơn 1% và S&P mất gần 0,6% trong phiên thứ Ba.
Báo cáo thất vọng của Walmart khiến cổ phiếu của các nhà bán lẻ khác như Taget, Kroger cũng giảm mạnh 3% và 4,2%.
Trong khi đó, cổ phiếu của đại gia bán lẻ trực tuyến Amazon lại tăng 1,4%, giúp nhóm cổ phiếu công nghệ là nhóm cổ phiếu duy nhất tăng điểm trong phiên thứ Ba và qua đó giúp Nasdaq giữ được sự ổn định.
Kết thúc phiên 20/2, chỉ số Dow Jones giảm 254,63 điểm (-1,01%), xuống 24.964,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,96 điểm (-0,58%), xuống 2.716,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,16 điểm (-0,07%), xuống 7.234,31 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh chưa thể trở lại, các thị trường lớn khác như Đức và Pháp đã hồi phục và lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên thứ Hai. Đà hồi phục tốt của chứng khoán châu Âu trong phiên thứ Ba nhờ đồng euro giảm so với đồng USD, đem lại lợi thế cho các doanh nghiệp khu vực này.
Kết thúc phiên 20/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,89 điểm (-0,01%), xuống 7.246,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,30 điểm (+0,83%), lên 12.487,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,68 điểm (+0,64%), lên 5.289,86 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản sụt giảm mạnh trong phiên thứ Ba do đà lao dốc của nhóm cổ phiếu tài chính. Chứng khoán Hồng Kông cũng sụt giảm mạnh trong ngày trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu tài chính khi HSBC khi công bố lợi nhuận thấp hơn dự báo. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng, bất động sản cũng sụt giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 20/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 224,11 điểm (-1,01%), xuống 21.925,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 241,80 điểm (-0,78%), xuống 30.873,63 điểm.
Trong phiên thứ Ba, đồng USD tiếp tục tăng vọt 0,67%, lên mức cao nhất hơn 1 tuần. Đà tăng mạnh của đồng USD đã khiến giá vàng sụt giảm mạnh trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 20/2, giá vàng giao ngay giảm 17,8 USD/ounce (-1,32%), xuống 1.328,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 17,7 USD/ounce (-1,31%), xuống 1.331,2 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục đà hồi phục, trong đó giá dầu thô Mỹ lên mức cao nhất 2 tuần. Tuy nhiên, đà tăng của loại nhiên liệu này bị hãm lại khá mạnh do đồng USD mạnh lên.
Kết thúc phiên 20/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,07 USD (+0,11%), lên 61,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,39%), lên 65,09 USD/thùng.