Nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn rót vốn vào Việt Nam

(ĐTCK) Thống kê TTCK đến ngày 31/8/2019 cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm 24,7% sở hữu bình quân tại các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, 16,4% với doanh nghiệp niêm yết trên HNX và 5,4% với các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM. 
Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, Hội nghị nhà đầu tư 2019 tại Hà Nội của Tập đoàn thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ một số nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự.

Các nhà đầu tư đánh giá cao bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, mức độ ổn định của đồng nội tệ và cơ hội đầu tư rộng mở khi TTCK có 1.600 doanh nghiệp trên sàn và sắp tới có thêm gần 800 doanh nghiệp đại chúng sẽ đưa cổ phiếu vào giao dịch.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ, VinaCapital nằm trong số tập đoàn quản lý tài sản và đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hệ thống khách hàng, khách hàng tiềm năng rất rộng. Chỉ cần các nhà đầu tư quốc tế trong mạng lưới này rót thêm 1 tỷ USD vào TTCK Việt Nam, thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh yếu tố tiên quyết là sự ổn định và tăng trưởng cao của nền kinh tế vĩ mô, ông Dũng tin rằng, việc Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước quyết liệt thúc đẩy các doanh nghiệp đại chúng lên sàn, sẽ là một trong những yếu tố tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư.

Về phía VinaCapital, Tập đoàn đang quản lý 3,3 tỷ USD đâì tư vào Việt Nam, trong đó có khoảng 1,7 tỷ USD đầu tư qua các quỹ và 1,6 tỷ USD là khoản quản lý đầu tư ủy thác. Quỹ lớn nhất tại VinaCapital là Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF), hiện có giá trị hơn 900 triệu USD, được niêm yết trên TTCK Luân Đôn.

Trong 5 năm gần đây, hiệu suất đầu tư của VOF đạt 50,5%. Một mảng việc quan trọng khác của VinaCapital là đầu tư thỏa thuận riêng rẽ, chuyên tìm kiếm các cơ hội mua lớn (20-40% cổ phần) tại các doanh nghiệp tiền niêm yết và đi cùng doanh nghiệp trong thời gian dài để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các yếu tố nền tảng và phát triển.

Một số khoản đầu tư của VinaCapital trong mảng này như đầu tư vào Vietjet (38,4 triệu USD từ 2016-2019); đầu tư 85,7 triệu USD vào Hòa Phát (2007 đến nay); đầu tư 25,4 triệu USD vào PNJ (từ 2007 đến nay); đầu tư 22,2 triệu USD vào Novaland (từ 2015 đến nay)…

Thống kê TTCK đến ngày 31/8/2019 cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm 24,7% sở hữu bình quân tại các doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM; 16,4% với doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội và 5,4% với các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trung bình toàn thị trường, khối ngoại nắm khoảng 20% vốn hóa.

Nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn rót vốn vào Việt Nam ảnh 1

VinaCapital cho rằng, hạn chế sở hữu khối ngoại vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài với TTCK Việt Nam. Dù Chính phủ đã trao quyền cho các doanh nghiệp được tự quyết định nới room lên 100% từ năm 2015, nhưng đến nay mới có 42 doanh nghiệp thực hiện việc này.

Bên cạnh các quỹ đầu tư dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, thông tin mới nhất từ VinaCapital cho biết, Tập đoàn sẽ phát triển quỹ ETF, dựa trên chỉ số VN100 vào cuối năm 2019. Quy mô ban đầu của Quỹ là 50 tỷ đồng, nhưng hiện Tập đoàn đã làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng quy mô quỹ ETF này sẽ nhanh chóng lớn lên.

VinaCapital cũng cho biết, Tập đoàn chưa có ý định đầu tư vào sản phẩm chứng quyền, dù đây là sản phẩm mới trên TTCK Việt Nam. Lý do là hiện quy mô thị trường chứng quyền còn nhỏ và sản phẩm chỉ có thời hạn ngắn (vài tháng) trong khi VinaCapital thiên về các cơ hội đầu tư dài hạn, đi song hành với doanh nghiệp được đầu tư.

Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VOF cho biết, trước khi rót vốn đầu tư vào một doanh nghiệp, bên cạnh việc thẩm định về tài chính, thuế, pháp lý, VinaCapital luôn tiến hành thẩm định về yếu tố bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây cũng là mảng việc các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn để nhận được dòng vốn đầu tư quốc tế.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục