Đầu xuôi…
Bảo hiểm PVI cho biết, trong quý I/2025, Công ty tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với doanh thu 7.217 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 288 tỷ đồng, vượt lần lượt 120,7% và 63,3% kế hoạch quý.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý đầu năm của Bảo hiểm PVI là mảng tái bảo hiểm đạt doanh thu 2.174 tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu bán chéo qua đối tác lớn (Thế giới Di động, Samsung, Momo, Shopee, Zalopay...) đạt 291 tỷ đồng, tăng 1,8 lần cùng kỳ.
Kết quả khả quan cũng được ghi nhận tại Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI) - công ty mẹ của Bảo hiểm PVI, khi ông Nguyễn Tuấn Tú - Tổng giám đốc PVI cho biết, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 35% kế hoạch năm và cũng vượt kế hoạch quý; lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 290 tỷ đồng, hoàn thành hơn 28% kế hoạch cả năm.
Tại Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã chứng khoán MIG), kết thúc quý I/2025, doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 1.269 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 125.6 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã được cổ đông thông qua, MIC đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm tăng trưởng 25%, lợi nhuận tăng trưởng 75% (đạt gần 540 tỷ đồng).
Năm 2024, MIC lên kế hoạch đạt lợi nhuận 440 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm chỉ lãi trước thuế 308 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch và giảm 12,5% so với năm 2023, nguyên nhân do ảnh hưởng của bão Yagi.
Không chỉ các “cựu binh”, “tân binh” Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom cũng ghi nhận kết quả tích cực khi sau 5 tháng hoạt động đầu tiên (từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025), doanh thu phí bảo hiểm ước đạt khoảng 150 tỷ đồng.
Đang chờ chốt số liệu chính thức, song nhiều công ty bảo hiểm khác cũng cho biết, kết quả kinh doanh những tháng đầu năm nay ghi nhận sự khởi sắc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trong 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 22.014 tỷ đồng, tăng 10,6%. Các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng, năm nay, tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục ở quanh ngưỡng 15% nhờ vào sự phát triển của bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới.
… đuôi sẽ lọt?
Kinh doanh khởi sắc trong quý đầu năm, nhưng phía trước là không ít thách thức với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trước câu hỏi của cổ đông về những rủi ro có thể khiến không hoàn thành kế hoạch 2025 đặt ra, lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết, rủi ro lớn nhất nằm ở các yếu tố khách quan như chính sách thuế quan mới của Mỹ, biến đổi khí hậu, thiên tai...
Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Đức - Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, tỷ trọng các mảng doanh thu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, FDI… tại Công ty không lớn (nên không ảnh hưởng nhiều - PV). Tương tự, mảng bảo hiểm liên quan tới dầu khí cũng chỉ còn chiếm 10% nên khi giá dầu biến động cũng sẽ ít chịu tác động. Do đó, nếu không xảy ra rủi ro bất khả kháng như cơn bão Yagi năm ngoái, Công ty sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
“Cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu xảy ra thì cũng nằm trong kịch bản dự báo của Công ty. Theo tính toán nội bộ, trong trường hợp kịch bản xấu nhất về chiến tranh thương mại xảy ra, doanh thu của PVI trong năm 2025 có thể bị ảnh hưởng khoảng 10% - là mức suy giảm nằm trong ngưỡng kiểm soát và đã có phương án điều chỉnh phù hợp”, ông Dương Thanh Danh Francois - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị thường trực PVI chia sẻ thêm.
Một vấn đề khác với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là đà tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp đà tăng của doanh thu do các yếu tố bất lợi từ thị trường. Có doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ngàn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ hơn 10 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.
“PVI đang đầu tư đáng kể vào các kênh tài chính, nhưng những biến động khó lường của thị trường này cùng mặt bằng lãi suất ở mức thấp đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, từ đó tác động trực tiếp tới lợi nhuận không chỉ của công ty mẹ PVI, mà cả các đơn vị thành viên”, ông Nguyễn Tuấn Tú nói.