Lợi nhuận Top 10 đạt hơn 45.500 tỷ đồng
6 tháng đầu năm 2019, phần lớn các ngân hàng đều công bố kết quả kinh doanh khả quan. Trong đó, Vietcombank dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận khi gặt hái 11.303 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40,7% so với cùng kỳ 2018 và đạt 55% kế hoạch năm 2019.
Kế đó là Techcombank khi lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay đạt 5.662 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 48% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Ðứng thứ ba là VietinBank với 5.335 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này chỉ tăng 69 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Những gương mặt còn lại trong Top 10 đều rất quen thuộc, bao gồm MBBank (4.875 tỷ đồng); BIDV (4.772 tỷ đồng); VPBank (4.343 tỷ đồng); ACB (3.622 tỷ đồng); HDBank (2.211 tỷ đồng), VIB (1.820 tỷ đồng) và TPBank (1.620 tỷ đồng). Như vậy, tổng lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng này đạt hơn 45.500 tỷ đồng, tăng hơn 6.500 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.
Cẩn trọng Nợ xấu
Mặc dù lãi cả nghìn tỷ, thậm chí là chục nghìn tỷ đồng, song không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính bền vững và hiệu quả, khi mà đóng góp chính cho những con số lợi nhuận “khủng” này vẫn là tín dụng, trong khi thu từ dịch vụ vẫn hạn chế, cho dù các ngân hàng đã nỗ lực để đẩy mạnh hoạt động này thời gian qua.
Ðiều đáng quan ngại hơn là tốc độ tăng trưởng của thu nhập lãi thuần cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng của tín dụng. Ðiều này cho thấy, các nhà băng đang có xu hướng đẩy tín dụng vào những phân khúc có biên lợi nhuận lớn hơn, song cần thận trọng về rủi ro như cho vay tiêu dùng, bất động sản…
Dù nợ xấu tăng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro có thể được bù trừ bởi thu nhập từ lãi của các ngân hàng, nên lợi nhuận ròng vẫn tăng
Ða số ngân hàng trong nhóm đầu xuất hiện sự "lệch pha" giữa tốc độ tăng tín dụng và tốc độ thu nhập về lãi.
Ðơn cử, tại Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần đạt 17.078 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ 2018, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng thấp hơn đáng kể, đạt 14,7%.
Techcombank ghi nhận mức thu nhập lãi thuần đạt 6.484 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tín dụng chỉ tăng 11% .
Với VietinBank, dư nợ cho vay khách hàng không những không tăng, mà còn giảm trong 3 tháng đầu năm và chỉ phục hồi trong thời gian gần đây. Tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank chỉ tăng 2,07%, thế nhưng thu nhập lãi thuần vẫn tăng 12,03%, đạt 16.177 tỷ đồng.
Ði cùng với tăng tín dụng thì đương nhiên nợ xấu cũng gia tăng. Chẳng hạn, tại Vietcombank, tính đến 31/6/2019, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm nhẹ, nhưng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đã tăng 5,7 lần so với hồi đầu năm lên 1.670 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (khả năng mất vốn) là hơn 4.700 tỷ đồng, chiếm 67% nợ xấu. Như vậy, tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã tăng 14,6% so với đầu năm, cao hơn so với tăng trưởng dư nợ cho vay. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ dưới 1% lên 1,03%.
Hay như SHB, nợ xấu đã tăng từ gần 5.198 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2018 lên hơn 6.910 tỷ đồng khi kết thúc tháng 6/2019. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm gần 72% tổng nợ xấu. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 700 tỷ đồng lên 1.136 tỷ đồng. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay đã tăng từ 2,4% hồi đầu năm lên 2,88% như hiện tại.
Tại TPBank, nợ nhóm 3 tăng 64% lên 485 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi lên 468 tỷ đồng, còn nợ nhóm 5 tăng 19% lên 383 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của TPBank tăng từ 1,12% lên 1,5%.
Nợ xấu tăng không chỉ bào mòn lợi nhuận, mà còn “đóng băng” một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng. Lấy ví dụ trường hợp của Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm 2019, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 3.317 tỷ đồng, tăng 82 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, nợ xấu tăng, các ngân hàng phải trích lập dự phòng và phần trích lập dự phòng rủi ro sẽ tính vào chi phí. Nhưng nếu ngân hàng tăng được lãi suất cho vay, có nhiều người vay và thu được phí dịch vụ liên quan đến tín dụng thì sẽ giúp tăng được thu nhập.
“Khi đó, dù nợ xấu tăng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro có thể được bù trừ bởi thu nhập từ lãi của các ngân hàng, nên lợi nhuận ròng vẫn tăng”, TS. Hiếu nói.
Ở một góc nhìn khác, theo phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect, các khoản nợ xấu mới đang gia tăng, nhưng khác với trước đây, những khoản này chủ yếu đến từ khoản đầu tư của tư nhân và cho vay bán lẻ. Do đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ cao nhất tại các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng - hình thức cho vay mang lại lợi nhuận cao, nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn.