Nhìn nhận về tiềm năng và tăng trưởng của ngành du lịch, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, với vai trò là Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, ngành du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước nhảy vọt.
Cụ thể, khách quốc tế tăng đến 30%; hàng loạt dự án nghỉ dưỡng được đầu tư, xây dựng; nhiều khu vui chơi, giải trí đẳng cấp thế giới xuất hiện...
Tuy nhiên, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, ngành du lịch cũng đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế - chính trị của Việt Nam và thế giới có nhiều biến động, gắn với sự dịch chuyển của nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.
“Đây là ngành tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua, đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP, nhưng chúng ta cũng thấy sự lo lắng trong những năm tiếp theo. Điển hình, trong nhiều năm Việt Nam chỉ xây dựng 2 sân bay mới, và nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn”, ông Bình dự báo.
Một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của du lịch Việt Nam hiên nay, theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam, đó là cơ sở hạ tầng đã tới hạn khó có thể đáp ứng được sự gia tăng lượng khách trên quy mô lớn.
Đặc biệt là về công suất của các sân bay, rất nhiều thông tin về các sân bay ở TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc hiện đều quá tải.
Đồng tình với nhận định này, ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor cho rằng, đây là vấn đề dài hạn để phát triển du lịch mang tính bền vững song trước mắt có một số việc Việt Nam cần tập trung trong thời gian ngắn hạn để tái cơ cấu và hoàn chỉnh sự phát triển của ngành du lịch, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng.
“Để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. Chúng ta phát triển du lịch nhưng cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường cần được tôn trọng", vị Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor khuyến nghị.
Theo gợi mở của ông James, để giải quyết điều này, bên cạnh việc đầu tư xây dựng mở rộng cơ sở hạ tầng cứng như sân bay, nơi lưu trú đạt tiêu chuẩn thì Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp số, dữ liệu nhân tạo, Big Data để thúc đẩy Việt Nam làm điểm đến. Ông dẫn chứng ngành du lịch phải tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng, do đó, Chính phủ cần xem đến giải pháp số, marketing số trong giải pháp về cơ sở hạ tầng.
Trong nhiều năm Việt Nam chỉ xây dựng 2 sân bay mới, nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn.
- Ông Trương Gia Bình
Một rào cản khác nữa cũng hạn chế sự phát triển của ngành du lịch, theo các chuyên gia chính là vấn đề cấp visa cho khách du lịch.
Theo ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch Công ty Cổ phần HG đây cũng cần là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu mà Việt Nam cần hành động để giải quyết, tháo gỡ rào cản vướng mắc để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành.
"Điều này đã nói rất nhiều nhưng cách giải quyết rất chậm. Từ tên miền đã rất phức tạp, nhiều khách nước ngoài không vào được trang web và đến nay chưa thấy giải quyết", ông Minh Đức cho hay.
Theo ông Minh Đức, Việt Nam chỉ cần tinh chỉnh một chút sẽ đạt hiệu quả ngắn hạn rất nhanh, như miễn visa, hay miễn 15-30 ngày, tinh chỉnh tên miền và quảng cáo tên miền. Bên canh đó là vấn đề marketing.
Tại Phiên toàn thể Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác thỏa thuận giữa các tập đoàn đầu tư quốc tế sẽ với các tập đoàn trong nước với tổng trị giá các hợp đồng thỏa thuận ký kết, hợp tác lên tới 2 tỷ USD.
Cụ thể bao gồm: Bản thỏa thuận về dịch vụ tư vấn quản lý giữa Novaland và Minor, Bản thỏa thuận dịch vụ quản lý khách sạn của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An và Tập đoàn Khách sạn Rosewood.
Bản thỏa thuận về đầu tư xây dựng 4 sân golf tại Việt Nam trị giá tới 100 triệu USD của Novaland và Greg Noman Golf Course Design.
Biên bản ghi nhớ về Đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, đội tàu bay và đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ xây dựng hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam của Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và Hãng hàng không AirAsia...
“Việt Nam đã thống nhất có quỹ phát triển du lịch nhưng rất chậm. Hiện chúng ta đang xây dựng cơ chế tạo quỹ mà các doanh nghiệp lớn như Sungroup, Vingroup, Mường Thanh,... đóng góp cùng quỹ ngân sách nhà nước triển khai và cần nhanh chóng triển khai thực hiện”, ông Đức nhấn mạnh.
Chia sẻ về giải pháp giúp phát triển du lịch Việt Nam, ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở lên nổi tiếng và đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, Việt Nam cần nguồn ngân sách và có những chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình phù hợp để giúp du khách đến du lịch Việt Nam dễ dàng như thủ tục visa đơn giản, hệ thống hàng không thuận tiện, đi lại dễ dàng.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Du lịch là ngành nóng liên quan nhiều ngành, nhiều người, mọi cấp độ.”
Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia, ông Đam thấy rằng, tăng trưởng của ngành nhanh so với tốc độ phát triển của thế giới. "Giữ được tốc độ này cũng là khó". Tuy nhiên, khi phát triển nhanh sẽ dẫn đến một ngưỡng không thể giải quyết các thách thức trước mắt trong một đến 2 năm.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, du lịch hiện được coi là ngành kinh tế và sẽ đóng góp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn.
"Vấn đề là những người làm du lịch có dám cùng với nền kinh tế thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hay không”.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2018 diễn ra trong hai ngày 5-6/12 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thứ tư trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp thực hiện cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress nhằm tìm các giải pháp, chiến lược để tái cấu trúc ngành và phát triển du lịch Việt Nam tới 2030 theo hướng chất lượng, bền vững. Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Mục tiêu của Diễn đàn thúc đẩy trong 5 năm tới là tăng tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 7,5% năm 2017 lên 12% năm 2022; tạo ra thêm 3 triệu việc làm trực tiếp và 2,5 triệu việc làm gián tiếp; thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư cả trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. |