Ngày 15/3, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã có buổi kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới ngày 5/3, Chính phủ, Thủ tướng đã giao VNPT 111 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 108 nhiệm vụ (đúng hạn 104, quá hạn 4), còn lại 3 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành, trong đó có việc thoái vốn ngoài ngành.
Về vấn đề thoái vốn ngoài ngành, ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc VNPT cho biết đơn vị này gặp một số khó khăn nên đang bị chậm so với lộ trình đề ra.
Cụ thể, theo quyết định của Chính phủ, VNPT phải thực hiện thoái vốn tại 63 đơn vị. Tuy nhiên, hiện VNPT mới thực hiện được tại 18 đơn vị và thu về 1.050 tỷ đồng.
Trong gần 50 danh mục cần thoái vốn còn lại, ông Long cho biết có 4 trường hợp phải đấu giá tới 3 lần và 11 danh mục khác đấu giá lần đầu nhưng không thành công.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng còn 4 khoản đầu tư tại doanh nghiệp niêm yết nhưng giá thị trường hiện thấp hơn mệnh giá, chưa thể thoái vốn được.
Ông cũng cho biết một số khó khăn trong quá trình thoái vốn là rất muốn được bán theo lô nhưng hiện quy định chưa có hướng dẫn. Cũng theo quy định, các tài sản mỗi lần đấu giá đều phải làm thủ tục lại từ đầu gây mất thời gian.
Theo quyết định của Chính phủ, VNPT phải thực hiện thoái vốn tại 63 đơn vị. Tuy nhiên, hiện VNPT mới thực hiện được tại 18 đơn vị và thu về 1.050 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng có 2 danh mục đáng lưu ý. Thứ nhất là tại Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), VNPT tham gia góp vốn khoảng 700 tỷ, với mức giá ban đầu khoảng 11.000 đồng một cổ phần.
Tuy nhiên, hiện giá trị thị trường của cổ phiếu rớt xuống chỉ còn khoảng 3.000 đồng nên lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng thủ tục không thể rút ngắn được và cũng khá thách thức. Một dự án khác, VNPT cũng đầu tư 500 tỷ và đến nay cũng lỗ mất vốn chủ sở hữu rồi.
Ngoài việc thoái vốn, 2 nhiệm vụ chưa hoàn thành của VNPT là việc xây dựng phương án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện và việc đẩy mạnh các bệnh viện trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Các nhiệm vụ này được Tổ trưởng Tổ công tác đã đề nghị VNPT giải trình, làm rõ và nêu biện pháp khắc phục mốc thời gian hoàn thành trong thời gian tới.
Đối với Bệnh viện Bưu điện, lãnh đạo VNPT cho biết đã xây dựng cơ chế tự chủ cấp 1 và đang có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, Bệnh viện phục hồi chức năng ở Đồ Sơn rất khó khăn. Vì vậy, VNPT xin sáp nhập 2 bệnh viện này lại để thực hiện tự chủ tài chính, sau đó cổ phần hóa bệnh viện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bệnh viện Bưu điện tại TP HCM, lãnh đạo Tập đoàn cho biết chưa bàn giao về địa phương. Năm 2016 thì bệnh viên doanh thu tăng 5%, lợi nhuận tăng 4 lần. Tuy nhiên, bệnh viện này chưa tự chủ loại 1 được mà chỉ dừng lại loại 2.
Đánh giá cao những kết quả của VNPT từ sau khi tái cơ cấu, song ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Tập đoàn chưa xác định được chiến lược cạnh tranh ở cả thị trường trong nước cũng như quốc tế, do đó dấu ấn còn mờ nhạt.
Ông cũng cho rằng, hiện VNPT có hạ tầng mà ít doanh nghiệp viễn thông có thể so sánh được, song thị phần còn tăng chậm, chất lượng một số dịch vụ chưa tốt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu VNPT cần tập trung vào 5 nhiệm vụ quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đặc biệt là việc xử lý vấn nạn tin nhắn rác, sim rác…
Liên quan đến việc kiểm soát tin nhắn rác, ông Phạm Đức Long cũng cho biết đơn vị này đã hạn chế được đáng kể. Cụ thể, nếu như trước đây mỗi ngày có khoảng 100.000 tin nhắn rác thì hiện nay chỉ còn 2.000-3.000 tin nhắn rác trên tổng số 30 triệu thuê bao.
"VNPT cũng siết chặt quản lý thông tin thuê bao. Các đại lý đăng ký sai thông tin thì khóa luôn. Vừa qua, liên quan đến vấn đề này chúng tôi đã xử phạt 30 giám đốc bán hàng, 3 người bị điều chuyển, hạ lương 18 đơn vị. Giờ sim rác nếu còn thì chủ yếu là do một số sim tồn đọng từ trước ở đâu đó", ông Long cho hay.