Nhiều khách hàng tố bị Công ty Địa ốc Kim Phát lừa

(ĐTCK) Sau khi Báo Đầu tư Bất động sản đăng tải bài “Dự án Diamond City (Đồng Nai), khách hàng có bị lừa?”, nhiều bạn đọc đã liên lạc và gửi đơn tố cáo nhóm Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát, đơn vị phân phối Dự án Diamond có dấu hiệu lừa khách hàng tại một số dự án khác nữa.
Công ty Kim Phát cũng bị khách hàng tố cáo liên quan đến Dự án Diamond City Công ty Kim Phát cũng bị khách hàng tố cáo liên quan đến Dự án Diamond City

Mạo nhận chủ đầu tư để lừa khách hàng?

Theo đơn thư phản ánh của bạn đọc, chiêu thức được Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát (gọi tắt là Công ty Kim Phát) áp dụng là sau khi ký kết hợp đồng môi giới với chủ đầu tư, Công ty tạo ra những thông tin về quy hoạch giao thông, bệnh viện, trường học... để nâng khống giá nền đất. Đặc biệt, khách hàng còn phản ánh, công ty này đã bán khống đất, thu tiền của khách hàng.

Phản ánh của ông Hoàng Mai Hạnh cho biết, thông qua Công ty Kim Phát, tháng 10/2015, ông đã mua hai lô đất LKP 12-31 và LKP 12-32 thuộc Dự án Western City, phường 6, TP. Tân An, tỉnh Long An do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long An IDICO làm chủ đầu tư. Sau khi đã ký kết hợp đồng đặt cọc và chuyển trả hơn 233 triệu đồng cho Công ty Kim Phát, ông Hạnh mới phát hiện mình đã bị lừa đảo.

“Do cảm thấy có gì đó bất an nên tôi tìm đến chủ đầu tư để tìm hiểu thông tin dự án thì mới tá hỏa rằng, cả hai lô đất này trước đó đã được bán cho khách hàng khác”, ông Hạnh chia sẻ.

Tương tự, ngày 10/2/2017, anh Đỗ Trí Toàn Khoa đã ký kết mua hai lô đất số 14-lô D và số 15-lô D tại dự án Khu dân cư nông thôn mới tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và đã thanh toán hơn 400 triệu đồng cho Công ty Kim Phát. Nghe có những dấu hiệu bất thường từ Công ty Kim Phát, anh Khoa đã tìm đến chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ xây dựng Gia Thịnh để tìm hiểu. Ngày 21/4/2017, đại diện Công ty Gia Thịnh có văn bản xác nhận: “Vị trí lô D14 và D15 đã được chủ chủ đầu tư ký hợp đồng với khách hàng vào năm 2016, hiện tại hai vị trí này đã có chủ sở hữu”.

Hoạt động môi giới của Công ty Kim Phát gặp nhiều phản ứng từ khách hàng, Công ty này đã chuyển đổi hình thái hoạt động sang một số pháp nhân mới.

Cụ thể, cuối năm 2016, lãnh đạo công ty này đã dùng những pháp nhân mới là Công ty Đại Phúc và Công ty Việt Hưng Phát mua lại nền đất của Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn và Công ty cổ phần Địa ốc Thăng Long tại dự án Khu dân cư Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và giao lại cho Công ty Kim Phát phân phối. 

Sau khi ký kết được hợp đồng, nhóm Công ty Kim Phát đứng ra tổ chức bán cho khách hàng. Tuy mới chỉ là hợp đồng góp vốn và thanh toán được một phần tiền, nhưng nhóm Công ty Kim Phát đã tự nhận là chủ đầu tư dự án để thu tiền của khách hàng.

Trong đó, điển hình là hợp đồng ký kết giữa Công ty Kim Phát là nhà môi giới với khách hàng Đỗ Quí Toàn ngày 9/1/2017, ô số 38 và ô số 39 thuộc lô SLB nhóm nhà ở số NO1, tại Khu đô thị mới Phước An và hợp đồng ký kết ghi rõ do Công ty Đại Phúc làm chủ đầu tư. Sau khi đã thanh toán hơn 729 triệu đồng, ông Toàn mới phát hiện, Công ty Đại Phúc không phải chủ đầu tư thực sự, mà chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Thăng Long.

Liên quan đến thông tin ai làm chủ đầu tư thực sự của dự án nêu trên, bà Nguyễn Thị Thùy Lâm, Trưởng phòng Pháp chế Công ty cổ phần Địa ốc Thăng Long xác nhận: “Cuối năm 2016, Công ty có bán 69 nền đất cho nhóm Công ty Kim Phát và mới chỉ thanh toán được 50% tiền. Do đó, Công ty Đại Phúc chưa đủ tư cách để làm chủ đầu tư”.

Vậy câu hỏi được đặt ra là, nhóm Công ty Kim Phát gồm những doanh nghiệp nào?

Trụ sở Công ty Kim Phát tuần qua đóng cửa với thông báo Công ty đang đi du lịch.  Ảnh: Tiêu Lãng

Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, Công ty Kim Phát được thành lập vào tháng 10/2013, ban đầu chỉ là hoạt động môi giới bất động sản ở một số tỉnh vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Long An... Tháng 11/2015, Công ty Kim Phát đã đăng ký thay đổi thông tin, trụ sở chính tại 246 Lý Thường Kiệt, quận 10, với ba cổ đông sáng lập đều có hộ khẩu thường trú tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, trong đó ông Nguyễn Công Cường chiếm 52,63% cổ phần, giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Để mở rộng hoạt động, tháng 3/2016, cùng với hai cổ đông khác (cùng có hộ khẩu thường trú tại TP. Châu Đốc, An Giang), ông Cường đã thành lập ra Công ty Việt Hưng Phát có cùng địa chỉ với Công ty Kim Phát và giữ 50% cổ phần. Đến tháng 11/2016, Công ty Đại Phúc được ra đời do ông Cường giữ 75% cổ phần và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (là cổ đông tại Công ty Việt Hưng Phát, với chức danh Tổng giám đốc) giữ 22,5% cổ phần.

Nhiều khách hàng phải chấp nhận mất tiền đặt cọc

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sau khi tiếp nhận hàng loạt đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng Công ty Kim Phát cho rằng, nhóm công ty này đã tự ý đổi tên dự án để người mua không truy được nguồn gốc dự án. Đổi tên chủ đầu tư, khi công bố chủ đầu tư tên khác và dự án tên khác. Thay đổi quy hoạch 1/500, vẽ thêm dịch vụ này, dịch vụ kia rất hoành tráng để lừa người mua. Tự ý đẩy giá đất nền lên cao và tự thu tiền của khách hàng.

“Thủ đoạn của Công ty Kim Phát là sử dụng “chim mồi” như hẹn khách đi xem dự án ở quận 2, quận 9 (TP.HCM)..., nhưng khi đến đó thì nói với khách hàng không ổn, đã bán hết và hệ thống “chim mồi” lôi kéo khách đến các dự án ở chỗ khác như Nhơn Trạch, Trảng Bom (Đồng Nai)...”, ông Châu cho biết thêm.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, anh Hoàng (ngụ tại quận 3, TP.HCM), một khách hàng mua sản phẩm của nhóm Công ty Kim Phát cho biết, khi lên làm việc với Công ty hoặc đưa ra đề nghị nọ kia thì ngay lập tức xuất hiện những đối tượng xã hội đen hù dọa.

“Ngay việc soạn thảo hợp đồng cũng rất rối rắm, nội dung biên bản làm việc đều bất lợi cho người mua. Nếu chúng tôi phản đối cái là họ xé luôn hợp đồng và cho rằng khách hàng tự bỏ về, nên không trả lại tiền cọc cho khách hàng”, anh Hoàng bức xúc.

Trước thực trạng đó, nhiều khách hàng đã phải chấp nhận mất tiền cọc lên đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, có những trường hợp đã đóng cả hàng tỷ đồng cho nhóm Công ty Kim Phát và cầu cứu đến cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn được giải quyết.

Ông Trương Ngọc Quang, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng: “Với những việc mua bán chồng chéo, không đủ căn cứ pháp lý, thì khách hàng rất dễ rơi vào tình trạng mất trắng. Với trường hợp mạo danh là chủ đầu tư, khách hàng sẽ gặp rắc rối về thủ tục công nhận quyền sử dụng đất. Nếu có xảy ra tranh chấp, thì với số tiền một vài trăm triệu đồng, tòa cũng rất khó giải quyết”.

Tuần qua, phóng viên Đầu tư Bất động sản tìm đến trụ sở của Công ty Kim Phát để tìm hiểu vụ việc thì Công ty này đóng cửa với thông báo đang đi du lịch.

Liên quan đến vụ việc này, Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục tìm hiểu để phán ánh đến bạn đọc.        

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tiêu Lãng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục