Nhiều dự án dang dở, chỉ cần gỡ thủ tục, vốn sẽ chạy

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục bảo lưu quan điểm, ưu tiên khơi thông những nguồn lực hiện có để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thưa ông, theo chương trình dự kiến, cuối tuần này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với những chỉ tiêu đầy thách thức, trong khi các động lực tăng trưởng đang đối mặt với nhiều khó khăn...

Đúng là khó khăn sẽ còn tiếp tục và nhiều bất định trên toàn cầu. Trong bối cảnh này, những kết quả mà nền kinh tế Việt Nam đạt được cho đến nay đáng trân trọng và ghi nhận.

Đặc biệt, tôi cho rằng, phải ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách vươn lên. Phải ghi nhận cả nỗ lực của nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng... đã có mức tăng trưởng rất tốt, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nhấn mạnh điều này để thấy, nỗ lực và sự chủ động trong bối cảnh hiện tại là vô cùng có ý nghĩa. Nhất là khi kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo còn khó. Các yếu tố bất định từ bên ngoài tạo nên nhiều thách thức lớn hơn tới điều hành kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Thêm nữa, thị trường thế giới khó khăn, đẩy cạnh tranh giữa doanh nghiệp của các quốc gia càng trở nên gay gắt. Ngay cả với thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt cũng phải cạnh tranh toàn cầu.

Các giải pháp lâu nay như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ rào cản pháp lý, đơn giản thủ tục hành chính dường như chưa đủ?

Theo tôi, những giải pháp Quốc hội, Chính phủ đang thực hiện là toàn diện, đầy đủ, song có lẽ cần có sự ưu tiên, tập trung hơn để giải quyết dứt điểm các vấn đề.

Cụ thể, quan trọng nhất là khơi thông những nguồn lực hiện có, các nguồn lực đang nằm trong dự án đã triển khai, đang dang dở vì vướng mắc thể chế, pháp lý, vướng mắc phòng cháy, chữa cháy, hay hoàn thuế VAT. Điểm chung của các dự án này là đã nhận diện được vướng mắc, có thể giải quyết dứt điểm, nhưng vẫn đang loay hoay chưa có lối ra.

Tôi đề nghị rà soát, lên danh mục chi tiết những dự án quy mô lớn thuộc diện vướng mắc đã được nhận diện, có thể có nghị quyết đặc thù, để tháo gỡ ngay, kịp thời, dứt điểm cho từng dự án. Trong lĩnh vực bất động sản, Chính phủ đã có Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nhưng mới chỉ giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên chưa đủ. Với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần có nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những dự án có địa chỉ, có vướng mắc, chứ không chỉ là các nghị quyết về cơ chế chung hay nghị quyết thí điểm.

Quan điểm của tôi là không cầu toàn, chưa thể giải quyết đồng loạt, mà chọn giải quyết dứt điểm được một số dự án quy mô lớn sẽ khơi được đầu ra, khai thông được dự án thì sẽ liên thông giải quyết được rất nhiều vấn đề của thị trường trái phiếu và thị trường vốn.

Nguồn lực thứ hai có thể khai thông ngay, với thế chủ động từ điều hành kinh tế, đó là nguồn lực trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Khi doanh nghiệp tư nhân khó khăn, doanh nghiệp nhà nước được nhìn nhận là một động lực của tăng trưởng. Nhưng thực tế, bản thân khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đối diện với khó khăn từ cạnh tranh thị trường và cả cơ chế, chính sách, thưa ông?

Chúng ta đều biết, doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được hiệu quả vì những vướng víu do thể chế, chính sách. Rất nhiều năm, chúng ta vẫn nói đến giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước; tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp; xác định rõ Nhà nước là nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Nhưng nhìn trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chưa có ưu tiên sửa đổi thể chế liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là bài toán nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn sẽ lại đợi cơ chế, chính sách. Quan điểm của tôi là đặt ưu tiên trong năm nay và năm 2024 là hoàn tất sửa đổi khung thể chế đối với doanh nghiệp nhà nước, để khơi ngay nguồn lực rất lớn đang nằm trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Việc này chúng ta chủ động được, cần ưu tiên làm ngay.

Với khu vực doanh nghiệp tư nhân thì sao, thưa ông? Trong báo cáo cuối tuần trước của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ, thì doanh nghiệp nhiều ngành, lĩnh vực đang suy kiệt dòng tiền, không còn tích lũy để tái đầu tư?

Chính phủ không thể tìm kiếm đơn hàng cho doanh nghiệp, nhưng có thể hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong tìm kiếm thị trường, khách hàng... Trong năm qua, chúng ta phải ghi nhận sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát kinh doanh và công vụ. Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động này là cần thiết, nhưng nên đặt mục tiêu chính là để phát hiện sớm những sai sót và hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ cả cán bộ cơ quan nhà nước thực thi đúng, chứ không phải đặt mục tiêu xử lý và xử phạt.

Đặc biệt, các hoạt động này phải được thực hiện theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của sản xuất, kinh doanh và hoạt động công vụ.

Ngoài ra, như tôi nhiều lần đề cập, việc ban hành các quy định mới làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp vào thời điểm này cần phải cân nhắc, có thể ngừng ban hành hoặc có lộ trình thực thi phù hợp.

Về dài hạn, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm đến các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như điện, xăng dầu, lương thực…

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục