Hững hờ...
Cuối tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 do UBND TP.HCM tổ chức, Thành phố đã công bố danh mục 126 dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư mỗi dự án từ 500 tỷ đồng trở lên. Phần lớn các dự án thuộc lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, môi trường, giáo dục, y tế. Đó là các dự án làm đường trên cao, nâng cấp sửa chữa các tuyến đường xuống cấp, xây metro, nhà máy xử lý nước thải, cải thiện môi trường nước các lưu vực sông, cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ven kênh rạch... Các dự án này được kêu gọi thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Trước đó, vào tháng 10/2017, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017, TP.HCM cũng đã đưa ra danh sách mời gọi đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong 116 dự án xã hội hóa có 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao. Riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án gồm 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp…
Trước đó, Thành phố cũng có nhiều dự án giao thông, chỉnh trang đô thị như di dời nhà ven kênh, cải tạo nhà chung cư cũ kêu gọi nhà đầu tư tham gia… Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, các dự án triển khai theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), hợp đồng BT sẽ giúp TP.HCM giải quyết bài toán vốn cho phát triển hạ tầng, có tác động lan tỏa, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, chủ trương kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng các công trình hạ tầng đô thị cho Thành phố được đưa ra nhằm san sẻ gánh nặng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Theo số liệu được UBND TP.HCM thông tin, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng của Thành phố giai đoạn 2016-2020 lên đến hơn 850.000 tỷ đồng, trong đó tính riêng các dự án giao thông, môi trường, chống ngập cần hơn 500.000 tỷ đồng. Khả năng ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư nói trên, còn lại phải thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là vốn xã hội hóa theo hình thức PPP.
Nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng trở nên cấp bách khi các hạn chế về điều kiện hạ tầng đô thị ngày càng bộc lộ rõ: kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cơ sở vật chất giáo dục và y tế thiếu hụt... Cụ thể, Thành phố cần phải có thêm nhiều nhà máy xử lý nước thải, di dời hàng chục ngàn nhà ven kênh rạch, xây thêm các tuyến đường trên cao, xây dựng thêm trường học, bệnh viện...
Tuy nhiên, tất cả những đề xuất kêu gọi đầu tư này tới nay vẫn được UBND TP.HCM báo cáo là tiến hành chậm và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều. Đơn cử, dự án di dời 20.000 ngôi nhà ven kênh tại TP.HCM, dù là dự án trọng điểm của Thành phố và nhiều năm qua TP.HCM kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia theo hình thức BT, nhưng tới nay, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ. Một nhóm dự án nữa là sửa chữa, xây mới gần 500 chung cư cũ tại TP.HCM được đề ra từ năm 2010, tới nay mới chỉ có 7 dự án được thực hiện.
...vì chính sách chưa cụ thể, minh bạch
Câu hỏi đặt ra là vì sao TP.HCM kêu gọi đầu tư như vậy nhưng các doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá “lạnh nhạt”, trong khi đó, hiện nay nhiều chủ đầu tư đang rất bí quỹ đất đề phát triển dự án? Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, lý do họ hững hờ đến từ những cơ chế, chính sách mà Thành phố đưa ra để kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia phát triển dự án PPP chưa hợp lý.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển khá chậm dù Thành phố nỗ lực kêu gọi đầu tư.
Đơn cử như dự án chống ngập có tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng của Trung Nam Group đang xây dựng cho TP.HCM. Dự án được lên kế hoạch với điều khoản hợp đồng là sau khi bàn giao, TP.HCM sẽ chi trả cho chủ đầu tư 82% bằng tiền mặt, còn lại 18% trả bằng quỹ đất để nhà đầu tư triển khai dự án bất động sản. Tuy nhiên, dù dự án gần hoàn thành và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư này vẫn đang loay hoay đi tìm quỹ đất để TP.HCM có thể chi trả theo cam kết.
Đại diện Trung Nam Group cho biết, quỹ đất tại TP.HCM có thể triển khai dự án hợp lý với cả nhà đầu tư và chính quyền hiện khá hạn chế. Thành phố khuyến khích nhà đầu tư chọn lựa nhiều lô đất ở các quận, huyện vùng xa. Tuy nhiên, hoặc là những thửa đất này quá nhỏ, hoặc là quá xa để có thể hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS), hơn 10 năm qua, chính quyền Thành phố lên kế hoạch kêu gọi tư nhân xây dựng khoảng 8 bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án bãi đậu xe ngầm nói trên vẫn chưa thể triển khai.
Nêu nguyên nhân chậm triển khai dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám được IUS đề xuất đầu tư vào năm 2008, ông Lê Tuấn nói: “Thủ tục đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm rườm rà đến mức độ khi nhà đầu tư hoàn tất xong thủ tục thì cơ hội đầu tư đã mất”.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp ngành địa ốc cho rằng, với chủ trương thu hút mạnh nguồn lực xã hội tham gia các dự án hạ tầng, chính quyền thành phố cần có cơ chế chính sách thông thoáng, quy hoạch ổn định, tạo sự công bằng, minh bạch, thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư dài hạn. Đặc biệt, các dự án phát triển hạ tầng như di dời nhà ven kênh rạch, xử lý nước thải, bãi đậu xe... thường có thời gian thu hồi vốn kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, hiện nay, TP.HCM lại chưa làm được điều đó.
Cụ thể hơn, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết: “Thời gian gần đây, chính quyền Thành phố đã cởi mở hơn khi kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng các nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng thì tính đồng bộ về hiệu quả cả dự án sẽ không cao.
Doanh nghiệp cũng không mặn mà lắm với chính sách này do TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp chọn quỹ đất rồi làm đề xuất xin. Nếu chính quyền Thành phố lựa chọn ra các diện tích đất hợp lý để chào mời doanh nghiệp thực hiện các dự án đối ứng thì họ có thể cân đối bài toán lợi ích để dễ đi đến quyết định tham gia”.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, khi tham gia các dự án xã hội hóa, doanh nghiệp mong muốn các thủ tục hành chính phải minh bạch. Các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng hoặc các thủ tục hành chính khác nếu quá rườm rà thì nhà đầu tư sẽ nản lòng, dù có công bố danh sách dự án kêu gọi đầu tư dài đến đâu mà không giải quyết khâu thủ tục minh bạch thì dự án cũng sẽ chỉ nằm trên giấy.
“Các doanh nghiệp cần sự minh bạch, công bằng trong chính sách kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng tại Thành phố. Cơ hội phải chia đều cho tất cả mọi doanh nghiệp, trong đó nên ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước nếu đủ điều kiện tham gia”, ông Hàn đề xuất.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com