Nhiều động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù còn nhiều rủi ro, thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn có nhiều động lực để tăng trưởng khả quan.
Nhiều động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022

Ba cơ hội, hai thách thức đối với kinh tế Việt Nam năm 2022

GS-TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XIV, XV; Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.
GS-TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XIV, XV; Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cơ hội thứ nhất, Việt Nam đã thích ứng rất tốt với dịch bệnh trong năm 2021, từ chỗ khủng hoảng trầm trọng chuyển sang trạng thái tương đối ổn định. Sang năm 2022, dù diễn biến dịch còn phức tạp, song với chủ trương thích ứng an toàn của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, chúng ta sẽ có tâm thế tốt để ứng phó, qua đó hạn chế tối đa tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng như năm 2021.

Cơ hội thứ hai, năm 2021 tuy khó khăn nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất cao. Sang năm 2022, kinh tế thế giới trên đà phục hồi mạnh mẽ hơn và Việt Nam có thể được hưởng lợi nhờ độ mở của nền kinh tế.

Cơ hội thứ ba, Việt Nam đang có lợi thế lớn từ gói chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022, hứa hẹn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi, không bị lỡ nhịp trong làn sóng phục hồi của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, có 2 thách thức lớn mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm nay. Đầu tiên, đó là áp lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu không cẩn trọng, để xảy ra hiện tượng chủ quan, lúng túng, lặp lại khuyết điểm nào đó trong năm 2021 thì sẽ đẩy nền kinh tế đi xuống và rất khó theo kịp thế giới.

Thách thức tiếp theo liên quan tới vấn đề nợ xấu. Đây là nguy cơ tiềm ẩn khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân tiếp gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, làm cho nhiều hoạt động mà chúng ta muốn đẩy nguồn lực vào bị cản trở.

VN-Index có thể vượt qua mốc 1.800 điểm

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital).
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital).

Kinh tế Việt Nam đang đối diện với 2 vấn đề. Một là, sức tiêu dùng của nền kinh tế và của người dân vẫn thấp, cầu tiêu dùng phục hồi chậm chạp. Hai là, thế giới đang chuyển dịch sang giai đoạn bình thường hoá, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trở thành “làn gió ngược”, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong nước.

Cụ thể, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố giảm quy mô mua lại trái phiếu và sẽ tăng lãi suất trong năm 2022. Theo thống kê của Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital), khoảng 30% ngân hàng trung ương trên thế giới đã thắt chặt các gói hỗ trợ và xu hướng tăng lãi suất trở lại sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022, dẫn đến không còn dư thừa thanh khoản, dòng tiền rẻ cũng không còn nữa.

Tuy vậy, năm 2022, nền kinh tế được dự báo vẫn hồi phục mạnh mẽ, áp lực lạm phát dù tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát do giá cả nhiều mặt hàng đã giảm trở lại 20 - 30%, sau khi tăng vọt trong năm 2021. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, tiền tệ cho năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt việc quản lý chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, thị trường chứng khoán 2022 dự báo tiếp tục tăng trưởng và chỉ số VN-Index có thể vượt qua mốc 1.800 điểm nhờ 2 yếu tố hỗ trợ. Một là, năm 2022, kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong năm 2021, chỉ số VN-Index đã tăng 35,7%, tương đương với tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận (EPS) bình quân của các doanh nghiệp niêm yết (đạt 35%) cho thấy thị trường chứng khoán đang đi lên bằng yếu tố nội tại, đó là sự tăng trưởng tích cực của lợi nhuận doanh nghiệp. Năm 2022, nhiều tổ chức dự báo EPS của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 20 - 25%.

Bên cạnh đó, định giá P/E của VN-Index hiện ở quanh mức 17 lần, PE foward 2022 chỉ khoảng 13,8 lần - đều thấp hơn so với nhiều thị trường trong khu vực, cho thấy dư địa tăng còn nhiều.

Hai là, kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi trong giai đoạn 2022 - 2023. Khi đó, theo SGI Capital, P/E của các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam, sẽ dao động từ 20 - 25 lần. Tất nhiên, cần nhiều điều kiện để thị trường sớm được nâng hạng, nhưng trong khoảng thời gian đó, dòng tiền thông minh sẽ tự tìm đến và định giá thị trường sẽ được nâng dần lên, đà tăng trưởng của VN-Index theo đó có thể vượt xa dự báo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Năm 2022 có nhiều cơ hội cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Trước tiên, về tác động của Covid-19, mặc dù dự báo dịch còn diễn biến khó lường, nhưng nhìn chung các nước đã có phương thức, năng lực ứng phó và thích ứng với dịch trong tổ chức sản xuất và đời sống xã hội.

Tiếp đó, thời gian vừa qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong ban hành và thực thi nhiều giải pháp phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh.

Đặc biệt, gần đây, Quốc hội đã ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cùng với chiến lược phòng chống Covid-19, các biện pháp hỗ trợ này sẽ sớm tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, trong thời dịch, doanh nghiệp có xu hướng tự sàng lọc, tự tái cơ cấu để duy trì năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, một số lĩnh vực chứng kiến nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp mới gia nhập và hoạt động tốt hơn.

Nhìn chung, mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc lớn vào hiệu quả tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra, vào sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ.

Covid-19 vẫn là mối đe dọa tới phục hồi kinh tế

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Năm 2022, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá, khi tốc độ phục hồi kinh tế tỷ lệ thuận với độ phủ vắc-xin và Việt Nam có tốc độ tiêm vắc-xin rất nhanh.

Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên, nằm trong nhóm đứng đầu thế giới.

Ngoài ra, còn 2 yếu tố khác có thể giúp nền kinh tế bật mạnh trong năm 2022, đó là sự phát triển của kinh tế số và chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng cần lưu ý tới những rủi ro, trong đó Covid-19 vẫn là mối đe dọa lớn nhất tới sự phục hồi kinh tế.

Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cách thức đối phó dịch, tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong thực thi chính sách, tăng cường năng lực y tế; kiểm soát lạm phát, tín dụng để hạn chế nguy cơ bất ổn vĩ mô có thể xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng và hiện tượng bong bóng tài sản; nâng cao năng lực thực thi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, cụ thể là khắc phục hiện tượng giải ngân chậm các gói đầu tư công và an sinh xã hội như trước đây.

Triển vọng tăng trưởng đi kèm với áp lực lạm phát

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính.

Năm 2022, cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới và trạng thái thích ứng với đại dịch Covid-19 ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhưng đi kèm với áp lực lạm phát.

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với rủi ro lạm phát tăng cao do sự phục hồi không đồng đều, tốc độ phát triển kinh tế bị chậm lại; nhu cầu nguyên nhiên vật liệu, vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa tăng cao; nhiều nền kinh tế lớn trong thời gian dài vừa qua đã sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa để kích thích kinh tế hồi phục và phát triển.

Việt Nam có độ mở hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, đặc biệt là nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn, nên cũng đối diện với rủi ro nhập khẩu lạm phát.

Ở trong nước, tác động của các gói kích cầu kinh tế năm 2020 và 2021 sẽ bộc lộ rõ hơn vào năm 2022 do độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường. Năm 2020 và 2021, tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng lần lượt 12,17% và 14%, nhưng GDP chỉ tăng tương ứng 2,9% và 2,58% cho thấy lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn - là nguyên nhân gây nên sức ép lạm phát.

Tuy nhiên, mức độ tăng của lạm phát không quá gây lo ngại. Bởi lẽ, sản xuất trong nước đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021, nên mức độ tăng giá nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa năm 2022 sẽ không lớn như năm 2021. Giá xăng dầu thế giới trong năm nay cũng sẽ không tăng mạnh như năm 2021 do các nước OPEC+ cũng không muốn để giá xăng dầu quá cao, gây phương hại tới đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Dự báo trong năm 2022, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,5 - 7%, tỷ lệ lạm phát khoảng 2,8 - 3,2%.

Ở kịch bản lý tưởng hơn, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế thế giới phục hồi tích cực hơn, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, tăng trưởng năm 2022 có thể đạt 7 - 7,5%, tỷ lệ lạm phát khoảng 3,5 - 3,8%.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục