Sau thương vụ sáp nhập HBB, SHB có nhiều kinh nghiệm để sáp nhập VFF?
Trong những năm đầu hoạt động, Công ty Tài chính Vinaconex Viettel (VVF) tăng trưởng tương đối tốt, nhưng từ đầu năm 2012, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, trong khi chiến lược kinh doanh không thay đổi cho phù hợp đã dẫn đến suy thoái, kém hiệu quả. Tuy nhiên, VVF là một trong những công ty có tình hình tài chính tốt nhất trong số các công ty tài chính thuộc diện tái cấu trúc, với tỷ lệ nợ xấu thấp và các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo.
Đến thời điểm SHB sáp nhập VFF thì công ty này đã cơ bản xử lý hết nợ xấu, tình hình hoạt động lành mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lê
Trên thị trường hiện nay, các công ty tài chính tiêu dùng đều có một đối tác chiến lược nước ngoài, vậy tại VVF sẽ thế nào?
Theo số liệu của Tổ chức Economist Intelligence Unit, năm 2015, tỷ lệ tiêu dùng/GDP của nhiều nước trên thế giới ở mức cao như Anh 65%, Đức 54%, Nhật Bản 59%, tỷ lệ này của Việt Nam còn cao hơn cả các nước phát triển, ở mức 67%. Do vậy, các đối tác chiến lược nước ngoài quan tâm đến thị trường tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng của Việt Nam là điều dễ hiểu.
Để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng trong thời gian tới dưới mô hình công ty tài chính TNHH một thành viên, SHB cân nhắc lựa chọn các đối tác chiến lược trên cơ sở các tiêu chí: là những định chế tài chính có uy tín trên thế giới; có kinh nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng đa dạng, tiện ích, tạo sự khách biệt so với các sản pẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng khác hiện có trêm thị trường và phù hợp với đặc thù của các quốc gia khu vực châu Á; có công nghệ thông tin hiện đại; có kinh nghiệm quản trị điều hành chuyên nghiệp công ty tài chính tiêu dùng; có chiến lược phát triển và quản trị rủi ro tốt…
Ban lãnh đạo SHB khẳng định, không lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài chỉ vào mua công ty tài chính và “chăm” cho lớn lên rồi bán. Sự tham gia của đối tác chiến lược sẽ giúp thêm nguồn vốn cho công ty tài chính hoạt động, phối hợp ngay từ đầu với công ty tài chính để có một chiến lược hoạt động kinh doanh tạo sự khác biệt trên thị trường nhằm đóng góp vào hiệu quả kinh doanh của SHB trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc bán một phần vốn công ty tài chính cho đối tác nước ngoài dự kiến sẽ mang lại một nguồn thu nhập và thặng dư đáng kể cho SHB.
Là đơn vị đi sau trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, lãnh đạo SHB có điều gì quan ngại?
Cơ hội luôn song hành với thách thức. Ra đời công ty tài chính TNHH một thành viên cuối năm 2016 trong bối cảnh một số công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động, nhưng chúng tôi có lợi thế khác biệt so với những đơn vị đi trước. Bài học kinh nghiệm cho thấy, công ty tài chính cho vay món nhỏ lẻ và tín chấp nên mức độ rủi ro cao, dù khoản cho vay nhỏ thì rủi ro sẽ được phân tán. Do đó, phải có chính sách, chiến lược kinh doanh nhằm quản lý, kiểm soát tốt rủi ro để thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh trên cơ sở an toàn và hiệu quả.
Liệu công ty tài chính tiêu dùng có “bành trướng” sang khối ngân hàng bán lẻ, thưa ông?
Tôi khẳng định, công ty tài chính tiêu dùng SHB phát triển kinh doanh các dịch vụ sản phẩm tài chính tiêu dùng nhắm vào phân khúc khách hàng, thị trường hoàn toàn độc lập với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện nay của Ngân hàng. Do vậy, hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng sẽ không bành trướng và không ảnh hưởng tới sự phát triển kinh doanh của khối ngân hàng bán lẻ SHB.
Thống kê cho thấy, 75% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận toàn diện dịch vụ tài chính tiêu dùng và 63% hộ dân có thu nhập từ 3 - 7,5 triệu đồng/tháng là phân khúc khách hàng tiềm năng rất lớn, có khả năng sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong khi sản phẩm của khối bán lẻ tại các ngân hàng thương mại là những món cấp tín dụng đòi hỏi thủ tục hồ sơ vay và các quy định điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ thì thủ tục cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ đơn giản, nhanh gọn hơn rất nhiều. Công ty tài chính tiêu dùng là một kênh để cho vay sản phẩm dịch vụ tiêu dùng riêng lẻ vào phân khúc thị trường, đối tượng tiêu dùng nhỏ lẻ.