Muôn vàn cách vượt khó
Mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay đã chứng kiến nhiều câu chuyện hy hữu của doanh nghiệp. Bên cạnh những tên tuổi như DIG, CII, CEO… lần đầu tiên tổ chức đại hội lần 1 bất thành do không đủ số lượng cổ đông tham dự, có những doanh nghiệp bất ngờ đủ điều kiện để tổ chức vào phút chót như HBC.
Điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp này là tình hình kinh doanh đều rơi vào trạng thái rất khó khăn. Để tồn tại trước thực tế đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cấu trúc.
Điển hình là tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, mã chứng khoán HBC), khó khăn bắt đầu xuất hiện kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hòa Bình tiếp tục gặp khó hơn khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng.
Khó chồng khó, đến cuối năm 2022, tại Hòa Bình đã nổ ra cuộc chiến tranh giành quyền lực bởi những bất đồng trong cách thức quản lý và phải mất hơn hai tháng Công ty mới tìm lại tiếng nói chung. Khi đó, ông Lê Viết Hải trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT và bắt tay vào tái cấu trúc từ ban lãnh đạo đến các mảng kinh doanh để lấy lại vị thế cho Hòa Bình.
Chia sẻ thêm về cơ cấu các mảng kinh doanh, ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Hòa Bình cho biết, Tập đoàn chỉ giữ lại các đơn vị hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiếp tục đầu tư cho các đơn vị đó phát triển, tiến đến mục tiêu IPO để mời gọi các nhà đầu tư cùng tham gia sở hữu cổ phần, tăng tài sản cho công ty con cũng như Tập đoàn. Đồng thời, Hòa Bình thực hiện thoái vốn và có thể giải thể đối với những công ty con, công ty liên kết hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn.
Cụ thể, ngày 17/6, Nghị quyết HĐQT Hòa Bình đã thông qua việc bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (một công ty con quản lý, khai thác thiết bị, máy móc) cho nhà đầu tư Ashita Group với giá 1.100 tỷ đồng.
Trước đó, gia đình ông Lê Viết Hải đã bán lô đất 7.718,6 m2 (ở đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) với giá trị chuyển nhượng 120 tỷ đồng. Gia đình ông Lê Viết Hải cũng cho Hòa Bình mượn cổ phiếu để thế chấp tại Ngân hàng Hàng hải Việt Nam làm tài sản đảm bảo cho việc cấp bảo lãnh thanh toán đối với các gói trái phiếu phát hành theo Nghị quyết 33/2021/NQ-HĐQT.HBC ngày 28/12/2021 và Nghị quyết 06/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 26/01/2022.
Hiện nay, Hòa Bình đang có kế hoạch định giá lại tài sản, trong đó có tài sản bất động sản để gia tăng hạn mức tín dụng và bổ sung thêm vốn cho Công ty. Năm 2023, Hòa Bình đi những bước khá thận trọng và tập trung vào hoạt động kinh doanh lõi, Công ty đã trúng thầu dự án nhà ở xã hội quy mô hơn 3.000 tỷ đồng ở Hải Phòng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (Sơn Hà, mã chứng khoán SHE), ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cho hay, mảng kinh doanh máy lọc nước RO gặp áp lực cạnh tranh lớn từ thị trường, khi các hãng khác áp dụng nhiều chương trình giảm giá, chiết khấu sâu, đẩy giá bán xuống thấp. Do đó, khi nhận thấy mảng RO không còn hiệu quả kinh doanh tốt, Sơn Hà đã quyết định dừng sản xuất và kinh doanh máy lọc nước RO.
Đồng thời, Sơn Hà tập trung nguồn lực cho các mảng kinh doanh có hiệu quả và triển vọng lợi nhuận tốt như duy trì phát triển thái dương năng, mở rộng phân phối xe máy điện.
“Sơn Hà sẽ tập trung vào những mảng kinh doanh có thế mạnh và tạo lợi thế cạnh tranh”, lãnh đạo Công ty nói và chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn do sức cầu yếu, tiêu thụ sản phẩm chậm…, nhưng kết quả sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nhờ việc tái cấu trúc các ngành hàng.
M&A để thêm có sức khỏe tài chính
Bên cạnh việc tái cấu trúc bộ máy ban lãnh đạo và mảng kinh doanh, bán những gì cần bán, thoái vốn ở mảng kinh doanh không còn thuận lợi…, mua bán, sáp nhập cũng là hoạt động thường thấy mỗi khi doanh nghiệp muốn tái cấu trúc.
Trên thị trường từ đầu năm 2023 đến nay đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A thành công. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Container Việt Nam (mã chứng khoán VCS) mua lại Cảng Nam Hải Đình Vũ thuộc hệ sinh thái của Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD). Giá trị thương vụ ước tính đem về cho GMD hơn 2.100 tỷ đồng, đồng thời giúp VCS nối dài cánh tay của mình ở khu vực cảng biển phía Bắc.
Câu chuyện tương tự tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán TCM). Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu dệt may sụt giảm, đơn hàng chậm, Dệt may Thành Công ghi nhận lãi nhờ thoái gần 1,2 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu (Savimex, mã chứng khoán SAV) được thực hiện trong tháng 4/2023.
Nhờ thương vụ thoái vốn tại Savimex, ước tính 6 tháng đầu năm 2023, Dệt may Thành Thành Công ghi nhận doanh thu 1.571 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 106 tỷ đồng.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công nhấn mạnh, nhờ thương vụ thoái vốn Savimex đem về khoản thu 1,3 triệu USD, tương đương khoảng 31 tỷ đồng, giúp Công ty vượt lên trong bối cảnh khó khăn chung của ngành dệt may.
“Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu 1.571 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 106 tỷ đồng. Với kết quả này, Dệt may Thành Công đã hoàn thành được 43% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm”, ông Tùng cho biết.
Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt Nam (Bamboo Airways) cũng quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành cải tổ mạnh mẽ. Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã chi 4.015 tỷ đồng đầu tư phát triển Bamboo Airways với tỷ lệ sở hữu 21,7%. Ngày 8/5/2023, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua Hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng 401,5 triệu cổ phần Bamboo Airways thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC cho ông Lê Thái Sâm, thành viên HĐQT Tập đoàn.
Nhân sự cấp cao của Bamboo Airways cũng liên tục thay đổi, mới đây nhất, ngày 11/7/2023, ông Lê Thái Sâm, người đang nắm giữ hơn 50% cổ phần Bamboo Airways đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Bamboo Airways cho biết, Công ty đang nỗ lực tìm phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.
Mạnh mẽ tái cấu trúc để có bộ máy chạy khỏe hơn là những việc doanh nghiệp làm để vượt qua giai đoạn khó khăn.