Kế hoạch tăng trưởng cao
Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2019 sẽ là có nhiều cơ hội và thách thức đan xen dành cho các doanh nghiệp bất động sản. Những thách thức có thể đong đếm được là tín dụng cho bất động sản bị siết chặt hơn, thủ tục cấp phép dự án mới khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trái với những sự lo ngại của các chuyên gia, ghi nhận từ đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của nhiều doanh nghiệp địa ốc cho thấy, các doanh nghiệp lại khá tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng cao trong năm nay.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest) đặt kế hoạch doanh thu lên tới 3.305 tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với kết quả thực hiện của năm trước. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp này, cơ sở để đặt kế hoạch trên là năm nay, Công ty dự kiến ghi nhận doanh thu khối thấp tầng Dự án The Terra An Hưng khoảng 1.200 tỷ đồng, Dự án Grandeur Palace - Giảng Võ khoảng 1.010 tỷ đồng; Dự án The Terra - Hào Nam khoảng 525 tỷ đồng và nhiều dự án khác triển khai cùng các công ty thành viên.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) cũng đặt mục tiêu doanh thu 4.294 tỷ đồng, tăng đến 89,5% và lợi nhuận 720 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với năm 2018. Về đầu tư, Công ty triển khai 5 dự án có tổng mức đầu tư 11.379 tỷ đồng, gồm các dự án BT và dự án biệt thự cao cấp.
Đáng chú ý, Hải Phát Invest đang mở rộng hoạt động sang phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Nha Trang, Đã Nẵng, Vũng Tàu, Bình Thuận… và có thể sẵn sàng để triển khai trong năm 2019.
Đặt mũi nhọn bao tiêu và mua thứ cấp, Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CENLAND) đặt kỳ vọng doanh thu năm 2019 đạt 2.562 tỷ đồng, tăng trưởng 52%; lợi nhuận trước thuế 562,5 tỷ đồng, tăng gần 40% so với 2018.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group) cũng đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2019 là 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế dự kiến 600 tỷ đồng và 445 tỷ đồng, lần lượt tăng 35%, 19% và 20% so với kết quả thực hiện năm 2018.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group cho biết, nếu như các năm trước, cứ điểm của CEO Group là Phú Quốc, thì từ năm 2019, tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn sẽ là trọng tâm của Công ty. Ngoài Vân Đồn, Dự án River Silk City tại Hà Nam tiếp tục theo đúng kế hoạch. Phân kỳ 1, 2 đã được triển khai, phân kỳ 3 sẽ thực hiện trong năm 2019.
Ở phía Nam, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) cũng hướng tới mục tiêu đạt mức doanh thu lên tới 18.000 tỷ đồng trong năm 2019, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm trước. Số sản phẩm bán ra là 6.500 sản phẩm, tăng 44% và bàn giao 5.900 sản phẩm, tăng 42% so với năm 2018.
Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cũng cho biết, Công ty có định hướng tăng trưởng lợi nhuận ròng giai đoạn 2019 - 2021 từ 20 - 30%. Trong đó, riêng năm 2019, Công ty đặt kế hoạch đạt 850 - 900 tỷ đồng, năm 2020 là 1.100 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2019 - 2021 được đề ra dựa trên việc Công ty dự kiến tung ra 4.000 sản phẩm Ehome, 11.000 sản phẩm Flora và 4.800 sản phẩm Valora.
Tương tự, Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng lên kế hoạch doanh thu gấp 4 lần năm trước, đạt 9.000 tỷ đồng. Hay Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 340 tỷ đồng, tăng tới 41% so với năm 2018. Kết quả này dự kiến đến từ các dự án TTC Plaza Bình Thạnh (quận Bình Thạnh), Jamona Home Resort (quận Thủ Đức), Jamona City (quận 7), Carillon 5, Carillon 7 (quận Tân Phú) và Cù Lao Tân Vạn (Biên Hòa - Đồng Nai).
Có nhiều cơ sở để đặt kỳ vọng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện các doanh nghiệp đều cho biết, việc đặt mục tiêu tăng trưởng căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó mặc dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ thăng trầm theo chu kỳ lặp lại 10 năm với nguy cơ bong bóng có thể xảy ra, nhưng so với 10 năm trước, thị trường hiện nay đã có nhiều thay đổi.
Cụ thể, kinh tế năm 2019 được dự báo khả quan theo đà tăng trưởng tích cực của năm 2018 với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước vào khoảng 6,8%. Thị trường bất động sản cũng bước qua quý I với nhiều gam màu sáng, dù có “tháng ăn chơi”.
Báo cáo thị trường quý I/2019 của Savills Việt Nam cho thấy, ngoài phân khúc căn hộ có sự suy giảm nhất định, các phân khúc quan trọng còn lại như văn phòng, bán lẻ ở cả hai đầu Nam - Bắc đều có những diễn biến tích cực.
Tại thị trường Hà Nội, trong quý I/2019 có khoảng 9.700 căn hộ mới được tung ra thị trường, giảm 36% theo quý, nhưng tăng 76% theo năm. Hạng A ghi nhận lượng cung mở bán mới giảm 84% theo quý, trong khi hạng B và C giảm 35% theo quý. Số lượng căn bán đạt khoảng 9.800 căn, tăng mạnh 70% theo năm. Tuy nhiên, so với quý liền trước, số lượng căn bán giảm 14%.
Ở phía Nam, thị trường địa ốc lớn nhất nước là TP.HCM ghi nhận những điểm sáng ở các phân khúc quan trọng. Ngoại trừ phân khúc căn hộ tiếp tục thiếu cung, thì bán lẻ có công suất được cải thiện và văn phòng cho thuê khởi đầu mạnh mẽ.
Cụ thể, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung sơ cấp đạt hơn 12.000 căn hộ, giảm 34% theo quý và 57% theo năm. Thủ tục pháp lý triển khai dự án mới bị trì hoãn, cũng như chủ đầu từ thay đổi kế hoạch mở bán dẫn đến nguồn cung mới sụt giảm mạnh. Thị trường chứng kiến mức mở bán mới thấp, chỉ hơn 4.500 căn hộ, giảm 38% theo quý và giảm 27% theo năm.
Tổng lượng giao dịch đạt trên 6.400 căn hộ, giảm 42% theo quý và 52% theo năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ đạt 53%, tăng 5 điểm phần trăm theo năm và cao hơn mức trung bình trong những năm gần đây (dưới 50%).
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng, thị trường bất động sản đã vượt qua dự báo về một kịch bản vỡ bong bóng cuối năm 2018. Thậm chí, hàng loạt tín hiệu tích cực xuất hiện với tính thanh khoản tại một số phân khúc trở nên sôi động, nguồn vốn vay cho doanh nghiệp địa ốc trở nên đa dạng.
Trên thực tế, nỗi lo về vốn cũng được thị trường bất động sản dần thích nghi và hóa giải. Để tìm nguồn vốn khác bù đắp cho nguồn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường chứng khoán và gần đây là phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Văn Phú Invest cho rằng, nhìn chung, thị trường bất động sản năm 2019 vẫn tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng. Nếu dựa vào tất cả những chỉ số kinh tế vĩ mô, những chính sách để bình ổn thị trường thì có thể thấy rằng, vẫn có những tín hiệu tích cực để thị trường vận động theo hướng khả quan, lành mạnh.
Cùng với đó, việc Nhà nước đang và nỗ lực giữ tốt vai trò trong quản lý thị trường bất động sản làm cơ sở để các doanh nghiệp có thể tự tin hơn với các kế hoạch triển khai dự án của mình. Tình trạng lệch pha cung - cầu sẽ giảm, thay vào đó sẽ là sự trỗi dậy của các phân khúc phù hợp với nhu cầu của khách hàng hơn. Năm 2019 sẽ là một năm của sự cân bằng: cân bằng giữa giá trị - giá cả, cân bằng về cơ cấu và tỷ lệ sản phẩm với nhu cầu.
Đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp, chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dù thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đối mặt với không ít những thách thức mới. Các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý tới việc người tiêu dùng ngày càng kỹ lưỡng và khắt khe hơn trước các quyết định mua bất động sản. Do đó, các nhà đầu tư buộc phải trưởng thành, chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn. Điều đó góp phần rất lớn trong việc đưa thị trường bất động sản hướng đến sự phát triển bền vững.
Để đảm bảo bài toán tài chính, các doanh nghiệp nên cân nhắc, lưu ý hạn chế đưa ra các mục tiêu quá khủng chỉ để làm hài lòng các nhà đầu tư trong kỳ đại hội, bởi nó có thể là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng tới quá trình phát triển dài hạn của doanh nghiệp.