Nhiều doanh nghiệp châu Âu khiếu nại Google vi phạm luật cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công ty hàng đầu của Anh, Pháp, Thụy Điển và Đức đề nghị Ủy ban châu Âu "mở lại không gian trên các trang kết quả tìm kiếm chung" cho các nhà cung cấp có liên quan.
Biểu tượng Google tại trụ sở ở Mountain View, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN). Biểu tượng Google tại trụ sở ở Mountain View, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Hơn 40 doanh nghiệp của 20 quốc gia châu Âu là đối thủ của Google trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thương mại ngày 16/10 đã hối thúc Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các quy định mới được ban hành để đảm bảo công ty của Tập đoàn Alphabet này tuân thủ các điều khoản cạnh tranh theo luật định năm 2017 của khối.

Trong bức thư gửi Ủy viên EU về cạnh tranh Margrethe Vestager, 43 công ty, trong đó nhiều công ty hàng đầu của Anh, Pháp, Thụy Điển và Đức, đề nghị Ủy ban châu Âu "mở lại không gian trên các trang kết quả tìm kiếm chung" cho các nhà cung cấp có liên quan.

Cách đây 5 năm, Hội đồng châu Âu đã phạt Google 2,4 tỷ euro (2,33 tỷ USD), đồng thời yêu cầu công ty này ngừng hành động thiên vị trong dịch vụ mua sắm.

Sau đó, "gã khổng lồ" công nghệ khẳng định sẽ đối xử với dịch vụ mua sắm của hãng như các đối thủ cạnh tranh khi đặt giá thầu cho các quảng cáo trong công cụ "mua sắm" (shopping) hiện ở đầu trang tìm kiếm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia khiếu nại cho rằng giải pháp này của Google không có hiệu lực về mặt pháp lý, khiến họ không thu được lợi nhuận từ các cuộc đấu giá quảng cáo. Theo các doanh nghiệp tham gia khiếu nại, Google đã vi phạm Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA), dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2023.

Nhằm chấm dứt việc lạm dụng vị trí thống trị của các tập đoàn kỹ thuật số lớn, tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên EU đã nhất trí về 2 luật mới bao gồm DMA và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA).

Trong khi DMA sẽ trao cho EU các quyền hạn chưa từng có để nhanh chóng hành động đối với các công ty công nghệ lớn nói trên, đồng thời đề ra quy định nghiêm ngặt về những điều "Được làm" và "Không được làm" trên các nền tảng mà các công ty này quản lý, DSA bao gồm các quy định đảm bảo rằng các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm về các thuật toán của mình, đồng thời có nghĩa vụ kiểm duyệt nội dung tốt hơn.

Các khoản tiền phạt có thể lên đến 10% doanh số kinh doanh toàn cầu sẽ được đưa ra trong trường hợp vi phạm và EP muốn tăng cường phương tiện ngăn chặn hơn nữa trong trường hợp tái phạm.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục