Thủy điện lãi lớn, giá cổ phiếu thấp hơn thị trường
2017 là năm hội tụ “thiên thời địa lợi” đối với các doanh nghiệp thủy điện khi nhu cầu sử dụng điện cả nước tăng nhanh hơn so với tổng công suất nguồn điện, cộng thêm lượng mưa nhiều hơn hẳn so với mọi năm giúp gia tăng năng suất.
Dù bước sang quý IV/2017, thời tiết không còn thuận lợi như 3 quý trước đó nhưng các doanh nghiệp trong ngành đã kịp đạt và vượt mục tiêu đặt ra từ kết thúc quý III. Đến thời điểm hiện tại, một số công ty đã chính thức thông báo kết quả ước đạt vượt xa kế hoạch được đại hội đồng cổ đông giao phó. Giá cổ phiếu của nhóm ngành này cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Doanh nghiệp đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý IV là Công ty cổ phần (CTCP) Thủy điện Sê San 4A (S4A) với doanh thu 72,32 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước đó do điều kiện thời tiết không thuận lợi, trong khi giá vốn hầu như không giảm nên lợi nhuận gộp giảm tới 34%, đạt 46,76 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế quý IV đạt hơn 34 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhờ lũy kế 9 tháng rất khả quan nên dù quý cuối năm sụt giảm, S4A vẫn đạt 286 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% và lợi nhuận sau thuế hơn 124 tỷ đồng, gần gấp đôi lợi nhuận năm 2016. Với kết quả này, S4A đã vượt 3% kế hoạch doanh thu và vượt đến 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Với hoạt động sản xuất - kinh doanh tích cực, cổ phiếu S4A đã có 5 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh, chốt phiên 8/1 ở mức 25.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 69% so với thời điểm đầu năm 2017.
Bên cạnh đó, CTCP Thủy điện - Điện lực 3 (DRL) cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT về kết quả thực hiện năm 2017. Theo báo cáo, năm vừa qua, tổng doanh thu của DRL đạt 102,51 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế 61,25 tỷ đồng, vượt 51% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà đại hội đồng cổ đông giao phó. Với kết quả này, cổ phiếu DRL càng được nhà đầu tư chú ý hơn, nhất là khi Công ty thường chi trả cổ tức hấp dẫn.
Trong năm 2017, cổ đông DRL đã nhận 2 lần tạm ứng cổ tức tổng cộng 40% bằng tiền. Doanh nghiệp cũng thường chi trả cổ tức đều đặn bằng tiền mỗi năm khoảng 20%. Thực tế, giá cổ phiếu DRL đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay, vào khoảng hơn 49,6% (tính theo giá đã điều chỉnh).
Một doanh nghiệp khác cùng ngành cũng ghi nhận kết quả tích cực là CTCP Thủy điện miền Trung (CHP) với lũy kế 9 tháng sản xuất được 597,307 triệu kWh điện; sản lượng điện thương phẩm đạt 593,201 triệu kWh, hoàn thành 92% kế hoạch sản xuất điện cả năm. Doanh thu đạt 595 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2016 và thực hiện được 91% kế hoạch năm 2017. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 267,5 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức 21% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong quý IV, Công ty xây dựng kế hoạch sản lượng điện sản xuất đạt 245,179 triệu kWh; sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt 243,095 triệu kWh; doanh thu đạt 258,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 122,5 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch này, cả năm 2017, CHP sẽ đạt khoảng 390 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 76% kế hoạch cả năm.
Về diễn biến giá cổ phiếu, CHP ghi nhận mức tăng gần 35% kể từ đầu năm đến nay và thực tế mức tăng có thể lớn hơn nếu không có một số thông tin thiếu tích cực ảnh hưởng tới giá cổ phiếu kể từ tháng 10/2017.
Cụ thể, trong việc tranh chấp hợp đồng thi công Thủy điện A Lưới, CHP phải thanh toán cho C47 hơn 23 tỷ đồng và mới đây, Công ty cũng thông báo việc tạm dừng phát điện khoảng 3 tháng để đại tu, tiểu tu các tổ máy và bảo trì hầm dẫn nước từ đầu năm 2018.
2017 cũng là một năm kinh doanh khởi sắc với CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJD), khi trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã đạt hơn 400 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 51%, lợi nhuận sau thuế đạt 175,4 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, SJD đã thực hiện vượt 4% kế hoạch doanh thu và vượt 14% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Trong tháng 11/2017, Công ty đã chi 158,7 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2016 theo tỷ lệ 23%. Năm 2017, SJC dự kiến trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 25%. Nhờ các yếu tố này, thị giá cổ phiếu SJD đã ghi nhận mức tăng hơn 52% kể từ đầu năm 2017 tới nay.
Một điểm đáng chú ý là dù giá cổ phiếu tăng trưởng tốt nhưng định giá P/E của các cổ phiếu kể trên vẫn thấp hơn nhiều so với P/E thị trường (khoảng 18 lần). Cụ thể, P/E trailing của SJD khoảng 7,38 lần; CHP là 6,58 lần; DRL là 7,09 lần và S4A có P/E cao nhất là 8,81 lần.
Nhiều ngành đón tin vui
Trong nhóm bất động sản, CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) đã thông báo kết quả kinh doanh ước đạt cả năm 2017 với doanh thu thuần 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, vượt kế hoạch 7%. Đóng cửa phiên 8/1, cổ phiếu DXG đang ở mức giá trần 23.250 đồng/cổ phiếu, tăng 131,7% so với thời điểm đầu năm 2017, trở thành cổ phiếu sinh lời tốt cho các nhà đầu tư.
Tương tự, CTCP Nhà Thủ Đức (TDH) cũng dự kiến doanh thu đạt 1.947 tỷ đồng, tăng 70% so với kết quả năm 2016 và vượt 43% chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2017. Lãi ròng năm 2017 đạt 142,4 tỷ đồng, tăng 32% so năm trước và vượt 9% kế hoạch đề ra.
Mới đây, việc TDH chính thức ra khỏi danh sách không được giao dịch ký quỹ, cộng thêm thông tin tích cực về kết quả kinh doanh đã giúp cổ phiếu này có mức tăng khá, từ 14.500 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối năm 2017 lên 16.250 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 8/1/2018.
Trong khi đó, Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2017 ước đạt với 9.816 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, vượt kế hoạch 9%, lợi nhuận trước thuế đạt 202 tỷ đồng và sau thuế 159 tỷ đồng, vượt khoảng 1% so với kế hoạch cả năm. Trong đó, mảng đóng góp chính là dịch vụ phân phối, đạt 7.895 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch đề ra. Mảng có sự tăng trưởng mạnh là dịch vụ cung ứng và hậu cần với 695 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch.
Sau hai năm 2015 - 2016 với nhiều yếu tố không thuận lợi, năm 2017, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đã có mùa kinh doanh tích cực. Cụ thể, năm 2017, STK dự kiến sẽ lãi ròng 90 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm. Đồng thời, Công ty cũng đặt kế hoạch năm 2018 với doanh thu 2.354 tỷ đồng và lợi nhuận 119 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 32% so với thực hiện năm 2017.
Sự tăng trưởng trong kế hoạch đến từ việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của Công ty sang các sản phẩm có chất lượng cao, trong đó có sợi tái chế. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường từ việc tận dùng nguồn rác thải (nhựa PET), sản phẩm này còn tạo được biên lợi nhuận cao hơn những sản phẩm vốn có của STK.
Bên cạnh thủy điện, bất động sản, nhóm ngân hàng cũng ghi nhận những kết quả khả quan với hàng loạt nhà băng tiến hành niêm yết, các “anh lớn” báo lãi ấn tượng. Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2017.
Theo đó, tổng tài sản cuối tới cuối năm 2017 của BID đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,7%; tổng nguồn vốn huy động đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%, tín dụng và đầu tư 1,136 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 14,2% so với kết quả năm 2016 và vượt 13,5% kế hoạch đề ra.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng ước đạt trên 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2017, tăng 20% so với năm 2016. VCB cũng được đánh giá là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại VAMC trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát được chất lượng tín dụng một cách thực chất.
Trong khi đó, mở hàng chào sàn cho nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2018 là HDBank đã thực sự mang lại sự phấn khích cho các nhà đầu tư. Ngay trước thềm niêm yết, HDBank đã tiết lộ lợi nhuận trước thuế cả năm hợp nhất đạt 2.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2.040 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tính đến cuối năm 2017 ở mức 1,2%, còn tỷ lệ hợp nhất với Công ty tài chính HD Saison là 1,6%.
Với kỳ vọng kinh doanh khởi sắc, nhóm cổ phiếu “vua” đã và đang có sự trở lại mạnh mẽ và được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường năm 2018. Thực tế, trong năm 2017, nhiều nhà đầu tư lựa chọn đổ vốn vào nhóm cổ phiếu này đã có được mức sinh lợi tốt.