Nhiều doanh nghiệp bám víu vào “lợi nhuận khác”

(ĐTCK) Bên cạnh nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng từ hoạt động cốt lõi thì có không ít doanh nghiệp phải “vịn” vào khoản lợi nhuận tài chính, lợi nhuận khác để có được bản báo cáo tài chính quý II/2021 đẹp hơn.

PPC, AFX thoát lỗ ngoạn mục

Quý vừa qua, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) ghi nhận lợi nhuận gộp âm 75,8 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Công ty có lợi nhuận gộp âm kể từ quý III/2014 tới nay. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ tiêu này ghi nhận 166,3 tỷ đồng. Nguyên nhân kinh doanh dưới giá vốn của PPC là giá than - nhiên liệu đầu vào quan trọng tăng mạnh do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, nhờ có khoản lợi nhuận tài chính 211,3 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ, PPC đã thoát lỗ. Được biết, đóng góp lợi nhuận tài chính chủ yếu là khoản cổ tức, lợi nhuận được chia trong kỳ.

Trong quý II, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), công ty liên kết của PPC đã chia cổ tức 2 lần với tổng tỷ lệ là 14,25%, tương ứng 1.425 đồng/cổ phiếu. PPC hiện đang sở hữu 25,97% vốn điều lệ tại HND, tương ứng 129,85 triệu cổ phiếu. Ước tính, PPC đã nhận được khoảng 185 tỷ đồng cổ tức từ HND trong quý II/2021 và nhiều khả năng đây chính là khoản doanh thu tài chính góp phần giúp PPC thoát lỗ.

Các quý tiếp theo, HND khó có khả năng duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền cao, khi mà lợi nhuận 6 tháng đầu năm đã sụt giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái, về 177 tỷ đồng và dự kiến cổ tức năm 2021 chỉ còn 8%.

Không còn trông chờ vào khoản cổ tức lớn từ HND, trong khi giá than - vấn đề lớn của PPC trong nửa đầu năm - được dự báo vẫn neo ở mức cao, chẳng quá khó để hình dung về viễn cảnh lợi nhuận hai quý cuối năm của Công ty.

Tương tự, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (mã AFX) dù kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp âm 4,9 tỷ đồng trong quý II/2021, nhưng nhờ ghi nhận lợi nhuận khác 16,9 tỷ đồng nên vẫn lãi 3 tỷ đồng, giảm 74,1% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận khác chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định (ghi nhận 17,16 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ chỉ có 39,3 triệu đồng).

Được biết, cuối năm 2020, nhóm cổ đông mới là Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI mua vào 51% cổ phần AFX và thay đổi hàng loạt lãnh đạo chủ chốt với việc bổ nhiệm ông Đặng Quang Thái vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 4/2/2021, ông Hứa Minh Trí vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

Đáng chú ý, AFX đã thực hiện sửa đổi Điều lệ Công ty theo hướng bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản để phát triển quỹ đất mà AFX đang sở hữu, đồng thời thông qua tờ trình về kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HNX.

Có thể thấy, sau khi về tay nhóm cổ đông mới và tái cơ cấu doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh cốt lõi của AFX vẫn chưa được cải thiện.

IDC, VOS, TDH tăng trưởng đột biến

Tổng công ty IDICO (mã IDC) đã ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 262 tỷ đồng trong quý II/2021, bằng 3,57 lần so cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng đột biến của lợi nhuận quý II có sự đóng góp của 222 tỷ đồng lợi nhuận tài chính.

Trong quý II, IDC đã bán toàn bộ 26% vốn tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Đăk Mi cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với tổng giá trị 520 tỷ đồng, ghi nhận lợi nhuận 260 tỷ đồng. Như vậy, gần như lợi nhuận của IDC trong quý vừa qua đến từ việc bán tài sản cho bên thứ ba.

Quý II/2021, TDH còn báo lãi cao gấp 13,72 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 155 tỷ đồng, nhờ có khoản lợi nhuận tài chính 165,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) còn báo lãi cao gấp 13,72 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 155 tỷ đồng, nhờ có khoản lợi nhuận tài chính 165,6 tỷ đồng. TDH thuyết minh, đây chủ yếu là lợi nhuận từ việc thanh lý các khoản đầu tư vào Công ty Song Hỷ Quốc Tế, Công ty Đầu tư khoáng sản VICO Quảng Trị. Ngoài ra, Công ty còn ghi nhận cổ tức, lợi nhuận được chia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, TDH đang trong quá trình tái cơ cấu sau cú sốc thuế, doanh nghiệp phải lựa chọn bán tài sản để thu tiền đáp ứng nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước. Vì vậy, việc bán tài sản thành công và mang về dòng tiền đầu tư cho doanh nghiệp là 1.123,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan giúp doanh nghiệp có thể sớm thực hiện các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước cũng như trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã VOS), sau giai đoạn thua lỗ liên tục, doanh nghiệp đã có lãi trở lại trong quý II/2021. Dù lợi nhuận gộp chỉ đạt 98 tỷ đồng, song nhờ có khoản lợi nhuận tài chính 74,3 tỷ đồng và lợi nhuận khác 94,1 tỷ đồng, Công ty vẫn báo lãi 241,6 tỷ đồng trong quý này.

Theo thuyết minh của VOS, lợi nhuận khác tăng là do Công ty bán tài sản cố định, còn lợi nhuận tài chính tăng là nhờ bán khoản đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã ghi giảm giá trị đầu tư vào cổ phiếu MSB từ 73,65 tỷ đồng về còn 7,73 tỷ đồng, nhiều khả năng lợi nhuận tài chính đột biến từ việc bán ra phần lớn cổ phiếu MSB.

Giá cước vận tải biển tăng đã giúp hoạt động kinh doanh cốt lõi của VOS được cải thiện, đồng thời ghi nhận thêm lợi nhuận đột biến ngoài lĩnh vực cốt lõi đã giúp doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty báo lãi 222,1 tỷ đồng, nhờ đó, lỗ luỹ kế giảm từ 921,2 tỷ đồng về còn 699,1 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc thanh lý tài sản, bán khoản đầu tư đã trở thành “cứu tinh” cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn của quý II và nửa đầu năm nay, hoặc giúp khuếch đại lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là những khoản lợi nhuận không bền vững, thậm chí việc “bán của, bán con” khiến doanh nghiệp mất đi nguồn thu trong tương lai.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục