Nhiều doanh nghiệp "anh cả đỏ", "sếu đầu đàn" đang chờ được "cởi trói"

(ĐTCK) Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phản ánh, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là "anh cả đỏ", "sếu đầu đàn" bị vướng rất nhiều về mặt cơ chế, thủ tục; chúng ta cần "cởi trói" để những doanh nghiệp nhà nước có một đường ray tốt đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước sắp tới.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại hội trường chiều 4/11

Doanh nghiệp nhà nước thiếu "đường ray" hoạt động

Phát biểu tại hội trường chiều 4/11 về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phản ánh một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp ở cả khu vực công và tư.

Từ việc bày tỏ đồng tình với chủ trương tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Vietcombank (VCB) để bảo đảm các chỉ số an toàn cũng như sức mạnh của ngân hàng thương mại nhà nước này, đại biểu băn khoăn đằng sau việc tăng vốn cho VCB thì chúng ta sẽ ứng xử như thế nào đối với hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, vì hiện nay hệ thống này đang có sự tụt hậu cả về tỷ lệ vốn, cả chỉ số an toàn vốn so với ngân hàng thương mại tư nhân.

'VCB, BIDV, Viettinbank hiện nay đang đứng nhóm thứ 2 so với Techcombank, VPbank. Tại sao ngân hàng thương mại tư nhân làm tốt như vậy mà những ngân hàng ta gọi là "anh cả đỏ" thì lại khó khăn như vậy trong việc tăng vốn?, ông An nêu câu hỏi đồng thời nhấn mạnh, bởi vì đây là những ngân hàng nhà nước, gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn trong quy trình, thủ tục.

Từ những ngân hàng này, đại biểu đoàn Đồng Nai mở rộng ra đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và nhận định, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang là "anh cả đỏ", là "sếu đầu đàn" nhưng lại bị vướng rất nhiều về mặt cơ chế, thủ tục.

"Sắp tới đây tôi mong muốn chúng ta "cởi trói" để những doanh nghiệp nhà nước có một đường ray tốt để đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình cho đất nước sắp tới, chúng ta muốn vươn mình thì phải có những người khỏe, phải có những doanh nghiệp tốt thì mới làm được câu chuyện như vậy", vị đại biểu nói.

Liên quan đến khối doanh nghiệp tư nhân, đại biểu Trịnh Xuân An nhìn nhận, đầu tư công được đẩy mạnh nhưng chưa đủ sức dẫn dắt đầu tư tư. Mặt khác, hiện nay chúng ta có rất nhiều chương trình, rất nhiều đề án nhưng điểm nghẽn chính là thủ tục.

Quốc hội dành cả ngày 4/11 để thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội, thực thi pháp luật, chủ trương tăng vốn cho VCB...

Nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ, đại biểu đề nghị Chính phủ mạnh dạn giao những công trình trọng điểm quốc gia, những công trình lớn cho các doanh nghiệp tư, có sự tham gia của doanh nghiệp tư thì sẽ tăng tỷ trọng đầu tư tư lên đối với toàn xã hội.

"Rất nhiều thông tin liên quan đến doanh nghiệp rút, doanh nghiệp gia nhập, nhưng tôi cho rằng các doanh nghiệp thực chất hoạt động như thế nào, đóng góp thuế ra làm sao đó mới là vấn đề quan trọng", ông An nói.

Nhiều quy định kinh doanh thể hiện "biện pháp quản lý quá mức cần thiết"

Cũng góp ý về tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động, tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh, chúng ta đều biết Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã thể chế mạnh mẽ chế định, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Môi trường kinh doanh ở nước ta đã thông thoáng hơn rất nhiều; tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro họ gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, đó là những điều kiện kinh doanh hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó thực thi.

Hệ quả của tình trạng này là tạo ra nhiều rào cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh và phát sinh nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp, như gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, phát sinh chi phí không chính thức, v.v..

Theo đại biểu, điều này dẫn đến việc doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội kinh doanh, đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp Việt Nam "chậm lớn" trong thời gian qua.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng)

Dẫn ý kiến của một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và nhiều chuyên gia, đại biểu đoàn Hải Phòng cho rằng, nhiều sản phẩm, dịch vụ bị áp dụng điều kiện kinh doanh "có thể là biện pháp quản lý quá mức cần thiết", không phù hợp.

Từ đó, đại biểu kiến nghị thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp như ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp hoặc không dùng các điều kiện kinh doanh mà dùng các biện pháp quản lý khác, như quy định các yêu cầu đối với các sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường, quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay quy định các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi vi phạm.

"Điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc và kiểm soát chủ thể kinh doanh, vì thế theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư thì công cụ, điều kiện kinh doanh chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động tiêu cực đến trật tự công", đại biểu lưu ý.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.

Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển và sự quyết tâm từ bỏ tư duy không quản được thì cấm và phòng, chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần định hướng của Trung ương.

Đồng thời, hành động này cũng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là có thể thực hiện được.

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn khi hiện tại chúng ta mới có khoảng 930.000 doanh nghiệp. Vị đại biểu cho rằng, cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục hành chính mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai; doanh nghiệp, doanh nhân rất cần các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá, cần có sự hậu thuẫn của Nhà nước để tạo sinh khí, khích lệ, đào tạo, đồng hành.

"Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế về các điều kiện kinh doanh như những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã nêu ở trên.

Trong đó cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư năm 2020", ông Tân đề nghị.

Theo Tờ trình của Chính phủ về đề xuất tăng vốn cho Vietcombank, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của Vietcombank tại ngày 31/12/2023 là 11,05%, hợp nhất là 11,39%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, đây là mức thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực châu Á và Đông Nam Á.

Vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng; thấp hơn nhiều so với VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng)…

Theo Chính phủ, các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung và Vietcombank nói riêng có vai trò quan trọng là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, được xác định là "sếu đầu đàn" của ngành tài chính - ngân hàng.

Nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.

Do đó, Chính phủ đề xuất bổ sung vốn Nhà nước để duy trì tỉ lệ vốn góp Nhà nước tại Vietcombank với số tiền 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục