Nhiều đầu tàu kinh tế… trục trặc

(ĐTCK-online) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) vừa kết thúc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước. Mặc dù nhiều thành viên Uỷ ban TVQH chưa hài lòng với kết quả giám sát, vì theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, kết quả giám sát chưa đánh giá được toàn diện hiện trạng quản lý vốn, tài sản nhà nước, nhưng kết quả này cũng đã vẽ được bức tranh khá tổng thể về hoạt động của các đầu tàu kinh tế hiện nay.
Năm 2008 có 31 tập đoàn, TCT nhà nước có hệ số an toàn vượt ngưỡng cho phép.(Ảnh minh họa)

Theo đánh giá tổng thể của TVQH, nhìn chung quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết tập đoàn, TCT được bảo toàn và tăng trưởng; quá trình tích tụ và tăng quy mô vốn chủ sở hữu ở một số tập đoàn và TCT đạt được nhiều kết quả tích cực… Tuy nhiên, quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu giữa các đơn vị có sự khác biệt rất lớn, dẫn đến thực trạng có tập đoàn kinh tế đạt quy mô vốn lên đến trên 157.000 tỷ đồng, ngược lại có nhiều đơn vị quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng, thậm chí có  TCT hiện chỉ có vốn chủ sở hữu vỏn vẹn 27 tỷ đồng.

“Không những thế, một số TCT còn không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn vốn chủ sở hữu”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền phát biểu và cho biết, năm 2007 có 13 TCT giảm nguồn vốn chủ sở hữu so với năm 2006 và năm 2008 con số này là 14 đơn vị. “Một số TCT do gặp những khó khăn về tài chính tồn tại từ nhiều năm trước nhưng chưa khắc phục được, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh yếu kém làm thất thoát toàn bộ vốn chủ sở hữu. Hiện có nhiều TCT vốn chủ sở hữu bị âm hàng trăm tỷ đồng”, ông Hiền nhấn mạnh.

Theo số liệu của Báo cáo giám sát thì năm 2006 có tới 40% số tập đoàn, TCT có hệ số an toàn vốn (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) trên 3 lần (ngưỡng an toàn); năm 2007 tỷ lệ này đã giảm xuống 32% nhưng năm 2008 vẫn còn tới 31 đơn vị có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng cho phép, chiếm 32% số tập đoàn, tổng công ty hiện có. Không những thế, hiện còn có không ít tập đoàn, TCT có tỷ lệ tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trên 10 lần, trong đó có những đơn vị có hệ số an toàn vốn lên trên 17 lần, thậm thí lên tới 21,6 lần.

“Việc nợ nần, chiếm dụng vốn lẫn nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh là bình thường, nhưng tình trạng nợ nần quá nhiều, vượt nhiều lần ngưỡng an toàn vốn, nợ không có khả năng trả của một số tập đoàn, TCT ngày một tăng có thể nói là nghiêm trọng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận bức xúc. Theo ông Thuận, trên thực tế, những DN nợ nần quá nhiều đã rơi vào tình trạng phá sản và cần phải xử lý. “Chúng ta thường nói phải kiên quyết xử lý những DN thua lỗ kéo dài mà không có khả năng cơ cấu lại, nhưng xử lý bằng cách nào?”, ông Thuận băn khoăn.

Băn khoăn của ông Thuận cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội khác. Bởi việc xử lý DN thua lỗ (cả DNNN lẫn DN ngoài nhà nước) hiện được giải quyết bằng Luật Phá sản, tuy nhiên, kể từ khi luật này ra đời đến nay có rất ít DN “phá sản thành công” vì trên thực tế, theo các nhà lập pháp thì “Luật Phá sản đã ‘phá sản’ ngay từ khi ra đời”.

Cũng theo số liệu của Báo cáo giám sát, nếu như năm 2006 có 7 tập đoàn, TCT kinh doanh thua lỗ với lợi nhuận sau thuế âm 126 tỷ đồng thì đến năm 2007 số tiền thua lỗ đã lên đến 263 tỷ đồng. Và tính đến cuối năm 2008, tổng cộng có tới 23 đơn vị kinh doanh thua lỗ với số lỗ luỹ kế lên đến 2.797 tỷ đồng. Trong đó có nhiều đơn vị bị lỗ trong năm 2006, sang năm 2007 và 2008 không những không khắc phục được, mà còn để lỗ phát sinh khiến lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2008 đã rơi vào tình trạng báo động.

“Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động có lúc lỗ, lúc lãi cũng là điều bình thường, nhưng việc để lỗ kéo dài năm này qua năm khác, số lỗ luỹ kế năm sau luôn cao hơn năm trước thì cần phải xem lại hoạt động quản trị điều hành”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.

“Theo quy định hiện hành, nếu để DN thua lỗ liên tục trong 3 năm hoặc mất vốn nhà nước thì lãnh đạo DN sẽ bị xử lý, trong đó có việc cách chức, nhưng tôi chưa thấy có vị chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc nào bị cách chức vì để DN thua lỗ”, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng băn khoăn. Ngoài ra, theo ông Vượng, một số vị lãnh đạo TCT do tham ô, lãng phí, tiêu cực trong quản lý vốn và tài sản nhà nước đã bị khởi tố hình sự, toà án đã tuyên phạt, nhưng số tiền nhà nước bị thất thoát, lãng phí, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa có cách gì thu hồi được cũng là vấn đề cần phải nghiên cứu để đưa ra hình thức thu hồi.

Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, TCT theo ông Thuận là rất thấp. “Hệ số ICOR của DN Việt Nam rất cao và mỗi năm một tăng, trong đó khu vực DNNN luôn dẫn đầu về hệ số ICOR cao đã minh chứng điều này”, ông Thuận phát biểu. Ông Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với nhận định này khi đưa ra con số: các tập đoàn, TCT sử dụng đến 47,06% tổng nguồn vốn, trong khi chỉ tạo ra 31,48% doanh thu và sử dụng 23,88% tổng số lao động. Ngược lại, DN dân doanh chỉ nắm giữ 34,69% nguồn vốn nhưng tạo ra 47,26% doanh thu và sử dụng 53,28% lao động (con số này của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tương ứng là là 18,25%; 21,26% và 22,84%).

 

 

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục