Nhiều đại diện doanh nghiệp không đồng tình nghỉ ngày 27/7

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử cho rằng Nhà nước có thể thêm một ngày nghỉ trong năm, song "cần chọn ngày phù hợp, tên gọi hài hòa".
Ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh:Anh Duy. Ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh:Anh Duy.

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sáng 14/5, nhiều ý kiến quan tâm đến việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất thêm ngày nghỉ lễ 27/7 (Ngày Thương binh liệt sĩ). 

Giải thích đề xuất trên, ông Mai Đức Thiện - Vụ Phó pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nói, ngày 27/7 là biểu tượng tri ân để con cháu noi theo và hợp lý với lịch nghỉ trong năm. Hiện ngày lễ phần lớn rơi vào 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm chỉ có ngày nghỉ 2/9 nên lựa chọn ngày 27/7 để giúp giãn cách ngày nghỉ trong năm và người lao động được tái tạo sức khỏe.

Ông Trương Văn Cẩm (đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam) và bà Đỗ Thị Thúy Hương (Hiệp hội doanh nghiệp điện tử) đều cho rằng không nên quy định ngày nghỉ 27/7.

"Nhà nước có thể thêm một ngày nghỉ trong năm, song tôi kiến nghị lựa chọn ngày khác sao cho phù hợp, tên gọi hài hòa", bà Hương nói.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, qua thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có hai nhóm ý kiến khác nhau về ngày nghỉ lễ 27/7. Do đó, Ban soạn thảo cần xem xét nguyện vọng của người dân, vì một số ý kiến cho rằng "đi làm để tri ân mới là tốt, chứ không phải nghỉ để tri ân".

Về ngày nghỉ Tết âm lịch, ông Trương Văn Cầm nói nên giữ lịch nghỉ Tết 5 ngày như hiện nay, song nếu trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù.

"Ngành dệt may có nhiều lao động ở xa, cần phải nghỉ dài đủ để người lao động về quê. Nhiều doanh nghiệp phía Nam còn cho lao động nghỉ đến 15 tháng Giêng, như vậy họ mới phấn khởi làm việc", ông Cầm nói.

Trái với quan điểm trên, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty may sông Hồng, đề xuất, nếu ngày nghỉ Tết trùng vào Chủ nhật thì "không bù nữa vì khối sản xuất rất khó theo lịch của cơ quan nhà nước".

"Việt Nam chênh lệch múi giờ với nước ngoài, đây là một hạn chế về thời gian và nhiều khi doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất thâu đêm. Nếu Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần mà doanh nghiệp phải nghỉ nữa thì sẽ thiệt đơn thiệt kép", ông Thịnh nói.

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, việc người lao động có thêm ngày nghỉ là tốt, song cần làm rõ dựa trên cơ sở nào?.

Theo ông, cơ quan soạn thảo nên xem xét vì nếu nghỉ thêm thì ngân sách phải tăng chi, doanh nghiệp cũng phải tăng chi phí trong khi đó doanh nghiệp phải chịu áp lực đơn hàng, cạnh tranh với các nước trong khu vực. 

Về thời gian làm việc trong ngày, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án, trong đó có việc thống nhất giờ làm việc từ trung ương đến địa phương.

Ông Trương Văn Cẩm cho rằng thời gian làm việc của công chức, viên chức trên thế giới thường quy định linh hoạt để giải quyết vấn đề giao thông, phù hợp với gia đình cần đưa đón trẻ em. Một số cơ quan cần phục vụ người dân như bảo hiểm, ngân hàng còn làm việc sau 18h, do vậy, không nên quy định thống nhất một giờ làm trên toàn quốc từ 8h30 như dự thảo Bộ luật vì sẽ gây ách tắc giao thông và xáo trộn.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói thời gian làm việc nên linh hoạt, cho phép địa phương quyết định để phù hợp với khí hậu, phong tục mỗi nơi; Chính phủ chỉ quyết định giờ làm của các cơ quan trung ương. 

Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp khai mạc vào ngày 20/5.


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục